DATC: Khẳng định vị thế, vai trò trên thị trường mua bán nợ
Bắt đầu hoạt động từ năm 2004, sau gần 15 năm hoạt động, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được đánh giá là đã có nhiều đóng góp trong quá trình lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, DATC tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trên thị trường mua bán nợ Việt Nam.
Vai trò, vị thế mới trên thị trường mua bán nợ
Trong 15 năm qua, DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ khoảng 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và trên 2.000 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chuyển đổi thành công ty cổ phần qua xử lý nợ xấu và tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản được loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa. Đặc biệt, DATC đã thực hiện hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu theo chỉ định của Chính phủ tại Ngân hàng Việt Hoa, Eximbank, Vinalines, Vinashin (SBIC), Tổng công ty Dâu tằm tơ, Tổng công ty xây dựng đường thủy…
Bên cạnh đó, DATC đã trực tiếp xử lý tài chính, tham gia tái cơ cấu 173 DN, trong đó, có 33 DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa. Qua đó, không chỉ giúp các DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước mà còn tạo điều kiện để hàng ngàn lao động có việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Vào thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động (năm 2004), mục tiêu của DATC chủ yếu hướng tới là hỗ trợ các DNNN. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, số lượng DNNN ngày càng thu hẹp, nền kinh tế đã xuất hiện ngày càng nhiều DN tư nhân vừa và lớn, nợ xấu ở khối DN này cũng gia tăng. Vì vậy, đối tượng phục vụ của DATC không chỉ là DNNN như trước đây nữa mà đã mở rộng sang xử lý nợ, tái cơ cấu khu vực DN tư nhân và tham gia mạnh mẽ vào thị trường mua bán nợ Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình nợ xấu phát sinh hàng năm vấn còn khá lớn, thì vai trò của DATC càng được thể hiện rõ nét trong xử lý nợ, nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Theo báo cáo tại Hội nghị Quốc tế Diễn đàn các Công ty Quản lý tài sản công quốc tế diễn ra tại Hà Nội, tổ chức mới đây cho thấy, từ năm 2011 đến nay, nợ xấu của Việt Nam cao nhất vào năm 2012 là 4,86% tổng dư nợ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và dư nợ tín dụng tăng trưởng quá cao trước đó. Sau đó, nợ xấu giảm dần ở mức 2,46% vào năm 2016, 2,34% vào năm 2017 và đến tháng 6 năm 2018 là 2,09%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu này theo DATC, mới chỉ tính nợ xấu nội bảng, chưa tính các khoản nợ được cơ cấu lại, nợ xấu tiềm ẩn như cách tính của Ngân hàng Thế giới hay các tổ chức tài chính quốc tế khác đang thực hiện. Do vậy, nếu tính nợ xấu theo phương thức đó thì tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam phải cao hơn.
Theo thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, năm 2017, khoản nợ mà các DNNN phải trả là hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu bình quân năm 2017 là 1,25 lần, trong đó có 20 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội khóa XII (06/2017) cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu phát sinh hàng năm khoảng từ 1,3 % - 1,5% dựa trên tổng dư nợ cho vay. Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 16%/năm thì dự kiến số nợ xấu phát sinh trong 5 năm tới (2017 - 2022) là khoảng 350.000 tỷ đồng. Mục tiêu duy trì nợ xấu dưới ngưỡng 3% thì tổng nợ xấu trong 5 năm tới tương đương mức 640.000 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình phải xử lý gần 130.000 tỷ đồng/năm trong vòng 5 năm tới và vai trò của DATC trong xử lý nợ xấu là hết sức quan trọng.
Một số vấn đề đặt ra
Đối với việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN, thực tế về cơ chế hoạt động của DATC hiện nay cũng còn nhiều vướng mắc, ví dụ như lợi ích của việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN rất lớn nhưng thực tế DATC đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu cơ chế mua nợ để tái cơ cấu phục hồi DN. Vì để tái cơ cấu DN đang kinh doanh thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản thì phải có được một khoản chênh lệch giá từ mua bán nợ để tái cơ cấu về tài chính cho các DN.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở đây là đa phần các DN có nhiều chủ nợ (không chỉ 1 ngân hàng), một số ngân hàng là chủ nợ đồng ý bán nợ nhưng một số khác lại chỉ tập trung thu nợ của mình, dẫn đến việc thu tài sản, khiến DN rơi vào tình trạng phá sản. Để thực hiện xử lý nợ và tái cơ cấu DN thành công, cần phải có sự đồng thuận từ các chủ nợ, từ đó dành đủ chênh lệch giữa giá mua và giá trị nợ để xử lý.
Ngoài ra, thực tế hiện này chưa có cơ chế hỗ trợ DN sau tái cơ cấu để phục hồi ổn định sản xuất kinh doanh. Phần lớn DN sau tái cơ cấu rất yếu về tài chính nhưng không tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng đề đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, DATC cũng chưa có cơ chế để bảo lãnh hoặc hỗ trợ vốn cho những DN này. Mặt khác, DATC chưa có cơ chế buộc các chủ nợ khác phối hợp để tái cơ cấu cho DN. Do đó, DN tiếp tục gặp khó khăn vì chỉ có DATC xóa nợ (gốc và lãi) để giúp DN cân bằng tài chính, còn các chủ nợ khác vẫn tính và thu lãi, bao gồm cả lãi phạt (phạt chậm trả nợ vay, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội trước đây).
Mặt khác, hiện nay DATC chưa có cơ chế phù hợp cho việc mua và xử lý nợ xấu đối với DN không đủ điều kiện để tái cơ cấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vì vậy, DN buộc phải thực hiện phá sản và thu hồi được rất ít nếu so với bán nợ cho DATC để tái cơ cấu vì tài sản bị xuống cấp, mất mát, mất giá trong quá trình xử lý, thi hành án… chưa nói sẽ kéo theo Nhà nước mất nguồn thu (vì DN bị phá sản, dừng hoạt động), người lao động bị mất việc làm tạo nguy cơ bất ổn trên địa bàn.
Về hoạt động thoái vốn, bán nợ, DATC cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc về cơ chế thoái vốn như mất nhiều thời gian đăng ký thủ tục thoái vốn thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong khi đó, tại các Sở Giao dịch chứng khoán lại chưa có cơ chế thoái vốn cả lô, thoái vốn cả lô kèm nợ phải thu. Việc thoái vốn theo cơ chế tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP lại chưa có hướng dẫn cụ thể về chuyển nhượng lô vốn góp kèm nợ phải thu, cũng như chưa làm rõ việc bán đấu giá không thành công thì có được điều chỉnh giảm giá khởi điểm bán đấu giá…