Thêm tín hiệu tích cực cho tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, nỗ lực xây dựng và triển khai các giải pháp, cũng như kết quả đạt được của các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của FTSE Russell
Trong chương trình công tác tại Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 7/4 đến 10/4/2025, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Thị trường tài chính chứng khoán châu Á (ASIFMA) tổ chức Hội nghị Đối thoại với các nhà đầu tư tổ chức quốc tế.
Đây là hoạt động duy trì đối thoại, chia sẻ, cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục giữa cơ quan quản lý chứng khoán và các thành viên thị trường, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, các định chế tài chính và tổ chức cung cấp chỉ số.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì, cùng sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, đặc biệt là có sự diện diện của gần 60 đại biểu đại diện cho các tổ chức xếp hạng thị trường, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư quốc tế tại Hồng Kong và khu vực.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Hội nghị lần này là một trong những hoạt động thường xuyên của Bộ Tài chính, UBCKNN trong việc duy trì đối thoại, chia sẻ, cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục giữa cơ quan quản lý chứng khoán và các thành viên thị trường, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế, các định chế tài chính và tổ chức cung cấp chỉ số.
“Để phát triển thị trường chứng khoán ổn định và bền vững, Chính phủ đã đề ra các định hướng, chiến lược, các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính, UBCKNN trong việc xây dựng giải pháp, thực hiện các mục tiêu nhằm phát triển thị trường chứng khoán an toàn, ổn định với lộ trình phát triển dài hạn.
Trong đó, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trên hành trình phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.
Cùng với việc cập nhật thông tin của thị trường, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBCKNN cũng chia sẻ chi tiết hơn, những hoạt động thực tiễn và các giải pháp mới nhất mà Bộ Tài chính, UBCKNN đã triển khai trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, sau quá trình nghiên cứu, tích cực tiếp thu ý kiến đa chiều của các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép đặt lệnh mà không yêu cầu đủ 100% tiền, đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể về công bố thông tin tiếng Anh…
Đối với việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, hiện nay, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của FTSE Russell.

Theo đại diện UBCKNN, những tiêu chí về chu kỳ thanh toán và xử lý giao dịch thất bại đã cơ bản đáp ứng sau khi Việt Nam ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC và áp dụng mang lại hiệu quả trên thực tế. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã có thể giao dịch mua chứng khoán mà không yêu cầu có đủ tiền trước khi đặt lệnh và việc xử lý khi có giao dịch thất bại (nếu có) xảy ra đã được quy trình hóa và xử lý đảm bảo thuận lợi cho các thành viên thị trường cũng như an toàn cho thị trường chứng khoán.
Được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực xây dựng và triển khai các giải pháp, cũng như kết quả đạt được của các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính, UBCKNN. Các đại biểu cũng bày tỏ sự đánh giá rất cao lộ trình phát triển thị trường vốn Việt Nam theo hướng ổn định, lành mạnh, bền vững, đặc biệt là công bố gần đây về lộ trình thực hiện các hành động nhằm tạo thuận lợi cao nhất cho các nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài) trong việc tiếp cận, đầu tư và giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những hành động và lộ trình thực hiện cụ thể mà cơ quan quản lý công bố chính thức đã được ghi nhận tích cực dù rằng đây không phải là các tiêu chí về nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE mà Việt Nam cần phải đáp ứng, như: cơ chế tài khoản giao dịch tổng (omnibus account), cơ chế giao tiếp STP giữa công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký, triển khai hệ thống công nghệ thông tin KRX, xây dựng và vận hành cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), và đặc biệt là việc ủng hộ thành lập nhóm Đối thoại chính sách với các tổ chức đầu tư nước ngoài…

Ông Julian Casal - Điều phối viên lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới cho biết, kể từ tháng 8/2023, UBCKNN công bố các giải pháp ngắn hạn được triển khai để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận tốt hơn thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó nổi bật là giải pháp gỡ bỏ yêu cầu có đủ tiền trước khi đặt lệnh mua chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Và thực tế, rất nhiều biện pháp đã được triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả.
Chỉ sau một năm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC và các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã được trực tiếp trải nghiệm dịch vụ kể từ ngày 02/11/2024. Sau 4 tháng triển khai, theo các số liệu từ các ngân hàng lưu ký đã có đến trên 50% các giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sử dụng cơ chế không yêu cầu có đủ tiền trước khi đặt lệnh. “Những kết quả như vậy đã phản ánh sự quyết tâm, cũng như hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi” - ông Julian Casal nhận định.
Trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng tiếp tục nhấn mạnh về quan điểm, chủ trương của Chính phủ, chính sách của Bộ Tài chính đều đề ra mục tiêu và mong muốn phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng ổn định, chất lượng, minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Dù còn nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình kinh tế, tài chính, thương mại trên toàn cầu, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giữ nguyên mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GPD từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số cho giai đoạn tới. Vì vậy, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn cho mục tiêu này và xác định xây dựng thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn trung, dài hạn chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước có vai trò quan trọng.
“Chúng tôi hiện nay tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm như trái phiếu công trình, trái phiếu dự án… nhằm đa dạng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân, thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư (PPP) nhằm thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng của đất nước góp phần phát triển kinh tế, cũng như đa dạng các kênh đầu tư, huy động vốn cho các chủ thể tham gia thị trường”, Thứ trưởng cho biết./.