Theo chân Index
Sau khi giảm phiên đầu tuần xuống dưới ngưỡng 1.450 điểm, VN-Index đã có hai phiên tăng điểm mạnh mẽ với hơn 40 điểm bổ sung thêm để áp sát ngưỡng 1.490 điểm. Nhìn tổng thể, thị trường chung vẫn tăng, nhưng nhà đầu tư có được lợi nhuận hay không trong những phiên vừa qua thì lại để ngỏ.
Trước nhất cần nhìn lại phiên ngày 22/11, VN Index giảm chỉ hơn 5 điểm, xuống 1.447 điểm nhưng tâm lý của nhiều nhà đầu tư trở nên lo ngại. Mấu chốt nằm ở chỗ trong phiên này một loạt những cổ phiếu tăng nóng, những nhóm ngành hot trong thời gian qua như bất động sản, sắt thép, phân bón lại điều chỉnh giảm. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, nếu nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu “trụ” của thị trường, chẳng hạn như nhóm ngân hàng với VCB, CTG, TCB hay nhóm vốn hóa lớn như MSN lại có kỳ vọng lớn.
Và đến khi kết thúc phiên 24/11, nhiều nhà đầu tư quyết định vẫn giữ nhóm cổ phiếu chỉ báo với thị trường như chứng khoán, ngân hàng và nhóm vốn hóa lớn. Nếu nhìn một cách tổng thể, diễn biến thị trường trong ba ngày qua là bình thường, không quá bất ngờ, tuy nhiên việc phán đoán phù hợp để giải ngân lại có những thách thức lớn.
Lấy cổ phiếu VCB, một trong những cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN Index những ngày qua làm thí dụ, cách đây một tháng có giá hơn 94.000 đồng, nhưng phiên 24/11 đã tăng lên gần 105.000 đồng/CP. Đối với một cổ phiếu có vốn hóa lớn như VCB, việc tăng giá hơn 10% trong một tháng là tỷ lệ cực kỳ khả quan. Trong trường hợp sử dụng margin với tỷ lệ phổ biến từ 30-50% thì suất sinh lời đem lại thậm chí là 15-20%.
Nhưng vấn đề là dường như nhiều người “chê” suất sinh lời của VCB hoặc không đủ kiên nhẫn với cổ phiếu này. Nguyên nhân khá đơn giản khi thời gian gần đây nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp thua lỗ vẫn có thể tăng kịch trần nhiều phiên. Điều này có thể khiến nhiều nhà đầu tư liên tục “đảo hàng”, “lướt hàng” và lỡ mất cơ hội sinh lời.
Thống kê cho thấy, trừ những cổ phiếu “hot” tăng trần nhiều phiên, phần lớn các cổ phiếu thường nổi sóng theo kiểu tăng, đi ngang, giảm nhẹ, rồi mới tăng lại. Việc thị trường chung tăng, nhưng nhà đầu tư mua cao bán thấp vẫn xảy ra.
Việc “bám” theo VN Index trong xu hướng tăng luôn là một chiến thuật phù hợp khi thị trường thuận lợi. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần lựa chọn những cổ phiếu có vốn hóa lớn, vị thế đầu ngành, chẳng hạn như hiện nay là hai nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán và một số cổ phiếu như MSN. Nhưng đồng thời cần chú ý đến hai thách thức:
Thứ nhất, cần có sự kiên nhẫn để đánh giá đúng cổ phiếu có đang tích lũy theo “trend” (xu hướng) tăng hay không, vì cần tránh những trường hợp đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh.
Thứ hai, cần lựa chọn đúng cổ phiếu ở vị thế đầu ngành, nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng và kỳ vọng về hoạt động kinh doanh tích cực.
Một lưu ý cũng quan trọng là việc sử dụng margin (vốn vay) trong giai đoạn hiện nay với tỷ lệ quá cao cũng rất dễ khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn, vì thị trường liên tục biến động mạnh có thể khiến nhà đầu tư chịu thua lỗ ngắn hạn và chịu sức ép phải cắt lỗ. Sáng lỗ, phải cắt, nhưng đến chiều lại hồi phục sẽ lỡ mất cơ hội của nhiều người.