Thị trường bảo hiểm có nhiều chuyển biến tích cực

Tuấn Thủy

Dưới sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, sự quyết tâm của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của hiệp hội, các doanh nghiệp và sự chia sẻ của khách hàng…, thị trường bảo hiểm đã qua giai đoạn khó khăn nhất, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam bước đầu đã có những chuyển biến tích cực từ cuối năm 2023
Thị trường bảo hiểm Việt Nam bước đầu đã có những chuyển biến tích cực từ cuối năm 2023

Vượt qua khó khăn, thách thức

Năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi đó đã tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Mặc dù vậy, với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho thị trường bảo hiểm hồi phục vào những năm tiếp theo.

Tính đến ngày 30/11/2023, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; 19 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trong năm 2023, tổng tài sản của các DNBH ước đạt 908.380 tỷ đồng (tăng 11,71% so với cùng kỳ năm 2022); Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 189.927 tỷ đồng (tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước); Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 211.187 tỷ đồng (giảm 4,43% so với cùng kỳ năm trước). Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 81.162 tỷ đồng (tăng 32,52% so với cùng kỳ năm trước); Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 757.652 tỷ đồng (tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước)...

Về dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, trong năm 2023, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 593.474 tỷ đồng (tăng 14,25% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 32.412 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 561.062 tỷ đồng.

Đối với hoạt động môi giới bảo hiểm, trong năm 2023, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 16.824 tỷ đồng (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước), trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 9.338 tỷ đồng (tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước), phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 7.486 tỷ đồng (tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước). Hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc ước đạt 894 tỷ đồng (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước), hoa hồng môi giới tái bảo hiểm ước đạt 265 tỷ đồng (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước).

Siết chặt thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Theo ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng có nêu tình trạng một số nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi tới giao dịch qua ngân hàng. Để chấn chỉnh tình trạng này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Với các trường hợp phát hiện vi phạm, Cục tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đã thiết lập Đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo hiểm.

Đầu tháng 10/2023, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) và Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng) đã ký kết Quy chế phối hợp công tác nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra và giám sát; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị điều chỉnh phù hợp; phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời, đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các DNBH tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Song song với đó, khung pháp lý cho hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là kênh đại lý là các ngân hàng đã cơ bản hoàn thiện và chặt chẽ. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, sự thay đổi của DNBH và hỗ trợ của người tham gia bảo hiểm, đây là điều kiện nền tảng để thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng hoạt động minh bạch, lành mạnh và bền vững hơn.

Ông Trung cho biết, khung pháp lý cho hoạt động đại lý bảo hiểm, đặc biệt là kênh đại lý là các ngân hàng đã cơ bản hoàn thiện và chặt chẽ. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, sự thay đổi của DNBH và hỗ trợ của người tham gia bảo hiểm, đây là điều kiện nền tảng để thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng hoạt động minh bạch, lành mạnh và bền vững hơn.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tăng cường sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho DNBH, bên mua bảo hiểm.

“Đến nay, các DNBH nhân thọ đã nghiêm túc thực hiện và rà soát tổng thể quy trình bán hàng, thẩm định, quy trình dịch vụ khách hàng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật”, ông Trung chia sẻ.