Thị trường bất động sản 2018: Nội lực quyết định tăng trưởng

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Quý III/2017, thị trường bất động sản (BĐS) bán lẻ và chung cư ảm đạm do quan niệm của người dân về tháng “cô hồn”, thì quý IV/2017 đã có sự bứt phá khi số lượng dự án mở bán và số lượng giao dịch thành công đều tăng trưởng. Điều này cho thấy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, ổn định đã tác động tích cực tới thị trường BĐS.

Năm 2018, thị trường mặt bằng bán lẻ của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục sôi động với sự tham gia của các thương hiệu thời trang nước ngoài và nhà hàng ăn uống đến từ Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản…Nguồn: Internet
Năm 2018, thị trường mặt bằng bán lẻ của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục sôi động với sự tham gia của các thương hiệu thời trang nước ngoài và nhà hàng ăn uống đến từ Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản…Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tại Hà Nội trong tháng 11/2017 có khoảng 1.400 giao dịch thành công, tương đương với lượng giao dịch của tháng 10/2017 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tại Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 1.600 giao dịch thành công, tăng khoảng 3,2% so với tháng 10/2017 và tăng khoảng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Mặt bằng bán lẻ phát triển 

Theo bà Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tư vấn công ty TNHH CBRE, thị trường bán lẻ Hà Nội quý IV/2017 kết thúc tương đối sôi động, mặc dù không có dự án mới nào ra mắt trong 3 tháng cuối năm. Tính cả năm 2017, tổng nguồn cung dừng ở mức 790.000 m2, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2016 do hai dự án ra mắt vào thời điểm giữa năm với gần 36.000 m2. 

Năm 2018 kỳ vọng khá thú vị sẽ có 8 dự án mới đi vào hoạt động. Tổng dự kiến nguồn cung mới dự kiến khai trương năm 2018 khoảng 186.000 m2. Đây là những dự án khai trương lớn nhất từ trước tới nay, chỉ sau năm 2013 về quy mô diện tích. 

Bức tranh của thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội đang dịch chuyển, nguồn cung khu vực trung tâm thành phố quận Hoàn Kiếm không lớn. Khu vực phía Tây TP. Hà Nội như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông và phía Đông đang hình thành khu vực trọng điểm trung tâm mua sắm mới. 

Việc 8 dự án bán lẻ mới sẽ ra mắt trong năm 2018 được đánh giá sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường khi 3 nhãn hàng Zara, H&M, Mcdonald’s từ TP. Hồ Chí Minh “đổ bộ” ra Hà Nội từ cuối năm 2017 và đang có chiến lược tiếp tục mở rộng các cửa hàng. 

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, quý IV/2017 chào đón 21.300 m2 đến từ hai dự án bán lẻ The Garden Mall (Thuận Kiều Plaza cũ) và khối đế bán lẻ của Viettel Complex (Quận 10). 

Tính chung cho năm 2017, cả thị trường có 7 dự án với 74.183 m2, nâng nguồn cung bán lẻ hiện hữu tại TP. Hồ Chí Minh là 820.840 m2. Tỷ lệ lấp đầy khu trung tâm là 99,7% còn ngoại vi là 93,1%

Dự báo năm 2018, thị trường mặt bằng bán lẻ của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục sôi động với sự tham gia của các thương hiệu thời trang nước ngoài và nhà hàng ăn uống đến từ Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản… 

Tuy nhiên, có một điểm khá mới mẻ là thói quen tiêu dùng sẽ quyết định thương mại điện tử và mua bán trực tuyến phát triển sẽ tác động đến thị trường mặt bằng bán lẻ. 

Hiện tại, thương mại điện tử ở Việt Nam chưa phát triển so với các nước trong khu vực, nhưng thói quen sử dụng điện thoại di động, mạng mua hàng trực tuyến như Amazon, Alibaba… đang được người tiêu dùng lựa chọn. 

Nhiều chuyên gia lo ngại liệu Việt Nam có như quốc tế bỏ qua mặt bằng bán lẻ để đi thẳng lên thương mại điện tử hay không. Đồng thời, cũng trăn trở để tìm giải pháp kết hợp mặt bằng bán lẻ với thương mại điện tử. 

Nhà ở:cạnh tranh bán 

Hiện tại, nguồn cung căn hộ chung cư 60% đến từ khu vực phía Tây TP. Hà Nội và 6% đến từ khu vực phía Đông. Quý IV/2017, có gần 9.500 căn hộ chào bán, nâng tổng số căn mở bán trong năm 2017 lên 35.000 căn, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, phân khúc cao cấp 6.700 căn. Đã có 23.000 căn giao dịch thành công. 

Theo CBRE, năm 2017, thị trường BĐS sôi động ở phân khúc trung cấp và bình dân, điều này cho thấy người dân có nhu cầu mua nhà ở thật.

Hiện tại, nguồn cung giữa khu vực phía Tây và Đông TP. Hà Nội đang có sự chênh lệch lớn và để cân bằng sự phát triển của hai khu vực này, theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông phải được mở rộng và phát triển.

Một điểm đáng lưu ý là khu vực phía Bắc sông Hồng có nhiều diễn biến mới khi hạ tầng kết nối giao thông tuyến cầu Nhật Tân và Đông Trù di chuyển vào trung tâm thuận lợi. Do đó, đã có nhiều chủ đầu tư “nhắm” đến BĐS ở đây. 

Tại TP. Hồ Chí Minh, quý IV/2017, thị trường đón nhận thêm 8.559 căn hộ, đưa tổng nguồn cung cả năm và tổng nguồn cung lũy kế lần lượt là 31.106 căn và 228.903 căn. 

Tổng lượng bán được trong năm 2017 đạt 32.905 căn. Trong đó, phân khúc trung cấp chiếm 64% tổng nguồn cung năm 2017. Điều này cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường để đáp ứng nhu cầu của người mua để ở và tạo nền tảng cho thị trường bền vững. 

Theo bà Hoài An, năm 2018 sẽ là năm phát triển tốt của thị trường BĐS. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự phân hoá rõ nét hơn ở các phân khúc, với các dự án cao cấp xuất hiện tại các vị trí gần nội đô, phân khúc thấp hơn sẽ phải cải thiện về mặt sản phẩm trước áp lực cạnh tranh. 

“Sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư làm sao phải có đội ngũ marketing chuyên nghiệp mới tăng được khả năng bán hàng”, bà Hoài An nói.