Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có “đảo chiều”?
Với những tín hiệu tích cực từ việc ban hành chính sách cấp giấy chứng nhận cho condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng… liệu rằng thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có “đảo chiều”?
Nguồn cung sụt giảm hơn 80% so với cùng kỳ
Giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung trải qua trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư nhìn chung đều cùng nhau trong tâm thế “ấn nút chờ”.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã bán hàng liên tục phải đối mặt với việc các nhà đầu tư khiếu kiện và phải né tránh khiến khách hàng kéo đến trụ sở chủ đầu tư để đòi tiền, bàn giao căn hộ theo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên. Chưa bao giờ niềm tin nhà đầu tư lại suy giảm và nhiều chủ đầu tư phát triển phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng lại bị rơi vào cảnh mất phương hướng đến như vậy.
Trước những diễn biến không mấy khả quan của thị trường bất động sản, đa số các chủ đầu tư vẫn nín thở và chờ đợi từng động thái từ phía Chính phủ, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt pháp lý đặc biệt là đối với các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng như condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng…
Chỉ số ít các chủ đầu tư có sản phẩm tung ra thị trường và vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu thị trường. Một số chủ đầu tư áp dụng chiết khấu lên đến 40% giá chào bán. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan khi nguồn cung ít, tính thanh khoản rất thấp.
Lượng cung, lượng giao dịch từ quý I/2022-quý I-2023
Số liệu thống kê cho thấy, quý I/2013, chỉ có 20 dự án du lịch, nghỉ dưỡng được chào bán, đưa ra thị trường 826 sản phẩm, chủ yếu đến từ các dự án tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Nguồn cung sụt giảm mạnh hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt dự án đóng giỏ hàng, rời hoạt động mở bán và đưa vào khai thác theo kế hoạch để chờ đợi, quan sát thêm trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn.
Thực tế là sản phẩm căn hộ du lịch gần như vắng bóng trên thị trường. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 7%. Trong khi mặt bằng giá sơ cấp được chủ đầu tư điều chỉnh tăng so với cuối năm ngoái, quay trở lại với mức giá chào bán vào quý I, quý III/2022.
Có thể nói, trong quý I/2023, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chưa có tín hiệu khởi sắc và vẫn là phân khúc có dấu hiệu phục hồi chậm hơn so với phân khúc còn lại. Vậy, nguyên nhân vì sao?
Theo các chuyên gia bất động sản, trước hết, vấn đề pháp lý về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn đang là trở ngại lớn cho các chủ đầu tư, phát triển phân khúc này. Thứ hai, về hạ tầng, dịch vụ đi theo để phục vụ hoạt động du lịch đã và đang được quan tâm. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa thực sự tốt, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách du lịch. Đây được cho là hai nguyên nhân chính khiến cho phân khúc này đang rơi vào trạng thái “ngủ đông” suốt một thời gian dài vừa qua.
Bởi vậy, bên cạnh vấn đề pháp lý sớm được tháo gỡ và đi đôi với đó là sự quan tâm đúng mức vào việc đầu tư hạ tầng, dịch vụ đi theo thì phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có thể đẩy nhanh tiến trình phục hồi.
Thị trường chờ được “hâm nóng” từ sự thay đổi chính sách
Theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khó đảo chiều ngay trong quý II/2023 và sẽ tiếp tục trầm lắng với mức thanh khoản trung bình. Diễn biến thị trường phụ thuộc vào pháp lý, dòng tiền và sự tăng trưởng của du lịch.
Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nhiều khả năng sẽ giảm, hạn chế do các chủ đầu tư lao đao về tài chính. Tuy nhiên, phân khúc này sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực khi vấn đề về pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được tháo gỡ.
Những ngày qua, câu chuyện Nghị định số 10/NĐ-CP ban hành có nội dung quy định việc sẽ cấp giấy chứng nhận cho condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng… được cho là một bước đột phá lớn trong pháp lý về bất động sản.
Nghị định số 10/NĐ-CP chắc chắn sẽ tác động đến cả hai chủ thể là doanh nghiệp và nhà đầu tư theo chiều hướng tích cực. Vì sao lại như vậy?
Thứ nhất, đối với những doanh nghiệp đã và đang triển khai dòng sản phẩm này sẽ có cơ sở pháp lý để từng bước hoàn thiện các thủ tục trình cấp giấy chứng nhận và giải quyết các vướng mắc với khách hàng cũ, đồng thời kỳ vọng vào việc tiếp cận các khách hàng mới trong tương lai.
Ngoài ra, chính sách trên sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp có thể tiếp tục tham gia phát triển dòng sản phẩm này và từ đó tăng lượng lớn nguồn cung ra thị trường. Nếu các sản phẩm condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng… đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận và rõ ràng về mặt pháp lý, thì chắc chắn điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng giao dịch, sản phẩm thanh khoản nhanh.
Thứ hai, về phía nhà đầu tư, đầu tiên phải kể đến những khách hàng đang “mắc cạn” tại các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, họ sẽ hi vọng những vướng mắc về pháp lý tại những dự án này sớm được tháo gỡ, chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án và bàn giao căn hộ, hay thậm chí chờ đợi sớm thanh khoản được sản phẩm đã đầu tư. Ngoài ra, Nghị định số 10/NĐ-CP sẽ củng cố niềm tin đối với các nhà đầu tư, khi lựa chọn các sản phẩm thuộc phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng đang khiến nhiều địa phương lúng túng trong việc cấp sổ đỏ cho các sản phẩm condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng trong thời gian qua.
Chính vì vậy, sự ra đời của Nghị định số 10/NĐ-CP sẽ có ý nghĩa lớn trong việc tháo gỡ những “nút thắt” về pháp lý cho các sản phẩm này, giúp người mua cảm thấy an toàn, doanh nghiệp được giải quyết khó khăn.
TS. Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, điều này cũng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng - vốn được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.