Thị trường bất động sản trầm lắng, môi giới bỏ nghề gia tăng

Anh Minh

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, số lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường bất động sản hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đặc biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80% ngay trong những tháng đầu năm 2023.

Hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động.
Hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động.

Làn sóng môi giới bất động sản nghỉ việc bắt đầu từ những tháng trước Tết năm 2023.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều sàn giao dịch buộc phải cắt giảm nhân sự, thậm chí thực hiện chế độ làm việc luân phiên, hoán đổi hoặc cá biệt cho tới 50% môi giới nghỉ việc không lương.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng số lượng môi giới bỏ nghề tăng cao là do họ không nhận được lương, không có thu nhập trong nhiều tháng vì không bán được hàng.

Làm rõ về tình trạng môi giới bỏ nghề, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, số đông môi giới bất động sản bỏ nghề thường là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề. Những công ty môi giới phải đóng cửa vì không nắm bắt, dự đoán được biến cố, xu thế của thị trường, không đủ năng lực về tài chính. 

“Vượt qua giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn, những môi giới bất động sản “sống sót” được sẽ là người chiến thắng”, người đứng đầu Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc G-Homes cho rằng, nếu khó khăn của chủ đầu tư là 8-9 thì với người môi giới là tương đương, thậm chí cao hơn khi thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào hoa hồng sản phẩm, nhưng chủ đầu tư không bán được hàng nên không thể thanh toán.

Việc không có nguồn thu kéo dài, trong khi các chi phí vẫn phải chi trả đều đặn nên phải ngừng hoạt động là dễ hiểu bởi không thể chịu đựng mãi.

Trên thực tế, sự bùng nổ nhân sự cùng với quy trình tuyển dụng số lượng lớn, mang tính ồ ạt, dễ dãi ở một số đơn vị, ứng viên môi giới bất động sản không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm, chỉ cần tiêu chí mà một số sàn đưa ra là “đam mê kinh doanh, đam mê làm giàu”… là hoàn toàn có thể ứng tuyển là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề khoảng 35.000 người.

Đại bộ phận các nhà môi giới chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản, thiếu chuyên nghiệp và chưa mang tính dài lâu. Do đó, không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự có biến động lớn là nghỉ việc, bỏ nghề.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, sự chuyên nghiệp của đội ngũ môi giới bất động sản, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, cần xây dựng phương án Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra quản lý ngành nghề, quy định khóa học đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức định kỳ cho người môi giới. 

Bên cạnh đó, bổ sung thêm quy định đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản online, học dưới hình thức e-learning, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, quản lý dịch vụ thông tin, dữ liệu bất động sản.

 

Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề khoảng 35.000 người.