Giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán: Đảm bảo thị trường công bằng và minh bạch
Giám sát giao dịch chứng khoán (GDCK) là việc tổng hợp GDCK và phân tích thông tin thị trường nhằm phát hiện những giao dịch không công bằng, những hành vi vi phạm pháp luật và quy định.
Theo Michael J Aitken và James H Berry, mục tiêu giám sát thực chất là để duy trì một thị trường chứng khoán (TTCK) công bằng và hiệu quả. Vậy “công bằng” và “hiệu quả” ở đây được hiểu như thế nào?
Thị trường công bằng là thị trường mà mọi nhà đầu tư tham gia với các điều kiện giao dịch như nhau. Ví dụ, lệnh được khớp dựa trên thời gian chuyển lệnh tới hệ thống, không có người tham gia giao dịch hợp pháp nào có quyền ưu tiên (ví dụ như người nắm thông tin ở các cơ quan nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp). Vì vậy, trên một thị trường công bằng, không có nhà đầu tư tham gia giao dịch dựa trên những thông tin đặc quyền (giao dịch nội gián).
Thị trường hiệu quả là thị trường mà người tham gia không thể can thiệp vào sức mạnh cung và cầu của thị trường tự do như giá của chứng khoán niêm yết. Nếu sự can thiệp diễn ra thì nó được ví như sự thao túng thị trường. Như vậy, giám sát GDCK được thực hiện giúp TTCK đạt được một mức độ hiệu quả nhất định.
Quyết định số 63/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bổ sung thêm một đơn vị thực hiện chức năng giám sát trên TTCK là Ban Giám sát TTCK (nay là Vụ Giám sát TTCK) đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác giám sát trên TTCK.
Tính đến nay, hoạt động giám sát giao dịch đã chính thức triển khai được hơn 08 năm tại UBCKNN, công tác giám sát giao dịch đã thu được những kết quả nhất định.
Các vụ việc liên quan đến những hành vi thao túng, công bố thông tin (CBTT) được phát hiện và xử lý kịp thời đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và cá nhân tham gia thị trường, phần nào hạn chế các hành vi vi phạm.
Có thể nói, công tác giám sát đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của UBCKNN trong việc duy trì TTCK phát triển ổn định, công khai, minh bạch và công bằng, thể hiện qua các mặt sau:
Thứ nhất, về công tác xây dựng văn bản pháp luật
Đây được xem là một trong những công việc quan trọng nhất của cơ quan quản lý trong vai trò là quản lý, giám sát hoạt động của TTCK tại Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung.
Việc xây dựng và đưa vào áp dụng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động giám sát GDCK phù hợp với thực tế và sự lớn mạnh của thị trường góp phần không nhỏ cho sự công bằng, minh bạch và phát triển ổn định của TTCK Việt Nam trong thời gian qua.
Nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thường xuyên đánh giá, rà soát tính hiệu quả của văn bản hướng tới việc điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường, đồng thời chú trọng vào việc xây dựng các quy trình xử lý công việc liên quan đến công tác giám sát giao dịch đáp ứng yêu cầu của Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 nhằm đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả của việc xử lý các dữ liệu giao dịch, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân khi triển khai công việc.
Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa UBCKNN với các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), và các tổ chức khác liên quan trong thời gian qua đã dần tạo nên quy trình giám sát đồng bộ, nhất quán.
Thứ hai, về công cụ để thực hiện công tác giám sát GDCK
Trong năm 2013, UBCKNN đã đưa vào hoạt động hệ thống giám sát GDCK (MSS). Sau gần 04 năm đưa vào sử dụng, có thể thấy, Hệ thống MSS đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho công tác chuyên môn của Vụ Giám sát, đặc biệt đã rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu do việc cung cấp dữ liệu của SGDCK và VSD được xử lý và đưa vào hệ thống một cách tự động.
Ngoài ra, với hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin, dữ liệu giao dịch từ SGDCK và VSD tương đối đầy đủ, cán bộ giám sát có thể tra cứu và trích xuất các dữ liệu đầu vào một cách có hệ thống, thống kê giao dịch theo nhiều tiêu chí để có thể đánh giá và phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường, thực hiện đánh giá các cảnh báo giao dịch bất thường đối với các cổ phiếu niêm yết trên TTCK… Sự hỗ trợ của Hệ thống MSS cho phép chiết xuất thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác giám sát giao dịch một cách kịp thời, chính xác để xử lý các giao dịch có dấu hiệu bất thường, từ đó có thể phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián, vi phạm công bố thông tin (CBTT)… nhằm tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao tính minh bạch, công bằng của TTCK.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường thì các dấu hiệu, hành vi vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đòi hỏi cán bộ làm công tác giám sát giao dịch ngoài việc tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kiến thức phải có đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin liên quan. Cùng với việc tiếp tục nâng cấp một số chức năng của MSS hướng tới sự hỗ trợ tối đa của công cụ này đối với việc cập nhật, xử lý dữ liệu giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và đặc biệt là các sai sót trong quá trình xử lý dữ liệu thủ công có thể xảy ra.
Thứ ba, về triển khai công tác giám sát GDCK
Kết quả giám sát giao dịch có thể được chia thành 2 mảng hoạt động chính là giám sát giao dịch định kỳ và giám sát giao dịch bất thường:
Công tác giám sát giao dịch định kỳ: Thông qua dữ liệu GDCK hàng ngày và các báo cáo do SGDCK, VSD định kỳ thực hiện, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị này phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường cũng như các vi phạm liên quan đến GDCK của thành viên.
Đa phần các vi phạm phát hiện được là vi phạm CBTT của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan khi thực hiện giao dịch. UBCKNN đã có hình thức xử lý là nhắc nhở hoặc ra quyết định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về CBTT liên quan đến hoạt động GDCK.
Công tác giám sát giao dịch bất thường: Liên quan đến việc ngăn chặn các hành vi giao dịch nội bộ, thao túng giá trên TTCK, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra GDCK có dấu hiệu bất thường tại một số công ty chứng khoán và tổ chức niêm yết.
Những kết quả nêu trên bước đầu thể hiện rõ thông điệp của cơ quan quản lý trong việc kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong GDCK, các thành viên thị trường và nhà đầu tư vì thế sẽ tự mình nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa được hành vi vi phạm.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tế công tác giám sát giao dịch của UBCKNN cũng không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế nhất định:
Thứ nhất, hoạt động của TTCK có diễn biến rất nhanh và phức tạp, các hành vi vi phạm giao dịch trên TTCK ngày càng tinh vi, mỗi giai đoạn có thể phát sinh các vi phạm khác nhau, do đó đòi hỏi công tác giám sát giao dịch phải theo kịp diễn biến của thị trường. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát còn mỏng, kinh nghiệm trong xử lý công việc chưa nhiều.
Thứ hai, phần mềm MSS đang được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của cơ quan quản lý trong triển khai công tác giám sát. Hơn nữa, diễn biến của thị trường nhanh và phức tạp, do vậy các chức năng của hệ thống MSS đòi hỏi phải được đánh giá, điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Đây thực sự là khó khăn lớn của cơ quan quản lý.
Thứ ba, do tính chất công việc có liên quan đến nhiều đơn vị khác trong và ngoài UBCKNN, quy trình thực hiện và phối hợp giám sát của UBCKNN và các cơ quan, đơn vị có liên quan nên tiến độ thực hiện trong một số công việc liên quan đến hoạt động giám sát còn chưa được kịp thời.
Để thực hiện hiệu quả công tác giám sát giao dịch đòi hỏi phải thực hiện một số công việc như sau:
Một là, bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm, UBCKNN và các SGDCK cần tiếp tục tăng cường và có hình thức thích hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về chứng khoán nói chung và các quy định về giao dịch nói riêng đối với các đối tượng tham gia thị trường, đặc biệt khi triển khai giao dịch các sản phẩm mới.
Hai là, căn cứ trên kết quả kiểm tra tuân thủ đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, kịp thời kiến nghị hoàn thiện các nội dung giám sát và đảm bảo tính toàn diện của công tác giám sát giao dịch giữa UBCKNN, SGDCK và VSD. Bên cạnh đó, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của các tổ chức này.
Ba là, tăng cường tính chủ động của cán bộ kết hợp với việc đào tạo cán bộ tổng hợp, phân tích chuyên sâu về giám sát giao dịch nội bộ và thao túng thị trường ở cả trong nước và nước ngoài để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giám sát giao dịch trên TTCK, chuẩn hóa nội dung và đề cương phân tích giao dịch đáng ngờ.
Đặc biệt, khi các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm và TTCK phái sinh đi vào hoạt động, cán bộ giám sát cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu các loại hình sản phẩm mới, cơ chế giao dịch và các hành vi vi phạm để tăng cường công tác giám sát, theo sát diễn biến giao dịch trên thị trường nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư về các sản phẩm bắt đầu triển khai trên TTCK Việt Nam.
Cuối cùng, để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, bên cạnh nỗ lực lớn của bản thân cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức vận hành thị trường, nhận thức và sự đóng góp có hiệu quả từ chính những thành viên tham gia TTCK mang ý nghĩa tích cực trong việc góp phần đảm bảo thị trường trật tự, an toàn, minh bạch.
Đồng thời, mở rộng phạm vi, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát thị trường nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam.