Thị trường chứng khoán tuần 10/4 - 14/4: Phục hồi trong rung lắc?
VN-Index tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng đan xen nhiều nhịp rung lắc và điều chỉnh. Đây chính là cơ hội để cho nhà đầu tư tích luỹ, gia tăng tỷ trọng.
VN-Index đã tăng 3 tuần liên tiếp và đà tăng đang chậm lại khi gặp vùng cản mạnh quanh ngưỡng 1.080 điểm. Mặc dù, áp lực chốt lời đã xuất hiện trong 2 phiên cuối tuần nhưng nhìn chung, nhịp điều chỉnh vừa qua là rất cần thiết để lấp lại khoảng trống tăng giá trước đó và đồng thời hấp thụ lực bán chốt lời vừa qua.
VN-Index đóng cửa phiên thứ Sáu vừa qua tại 1.0669,7 điểm, tăng 0,48% so với tuần trước đó. Thị trường nghiêng nhiều hơn về chiều đi lên khi độ rộng sàn HOSE ghi nhận 284 mã tăng và chỉ 94 mã giảm trong tuần qua.
Điểm nhấn trong tuần vừa qua là sự trở lại của dòng tiền nội sau thông tin giảm lãi suất. Dù chỉ số chung tăng không nhiều, phần lớn các nhóm cổ phiếu vẫn có mức tăng khá mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như Bất động sản, Chứng khoán, Ngân hàng.
Tính lan tỏa của dòng tiền khá tích cực. Dòng tiền chờ cơ hội luôn sẵn sàng, giúp thanh khoản lên mức cao. Giá trị giao dịch bình quân trên HOSE đạt 13.400 tỷ đồng một phiên, tăng 29% so với tuần liền trước và cao hơn mức 10.200 tỷ đồng tính từ đầu năm.
Trong đó, thanh khoản ở phiên thứ Năm đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng Hai, với 15.800 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là phiên VN-Index điều chỉnh mạnh (-0,92%) khi cung chốt lời bất ngờ gia tăng về cuối phiên.
Các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng 736 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, khối ngoại đang bán ròng nhiều ở nhóm Tài chính (-565 tỷ đồng), Hàng tiêu dùng (-350 tỷ đồng), trong khi mua ròng ở nhóm Nguyên vật liệu (+118 tỷ đồng) và Bất động sản (+101 tỷ đồng).
Dòng vốn qua các quỹ ETF khá trầm lắng trong tuần qua. Riêng Quỹ Fubon FTSE ETF nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây rút ròng nhẹ 22 tỷ đồng.
Quan sát đồ thị tuần, chỉ số vẫn đang vận động trên MA 20 tuần trong khi MACD vẫn đang cho thấy trạng thái phân kỳ dương so với đường giá. Khối lượng giao dịch tuần qua đạt hơn 3,7 tỷ đơn vị, là tuần có thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Theo các chuyên gia chứng khoán, các yếu tố có thể tác động tới thị trường trong ngắn hạn là vận động của dòng vốn khối ngoại và ETF, các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tiếp theo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, số liệu kết quả kinh doanh quý I thường được công bố vào trung tuần và cuối tháng 4, cũng như các thông tin định hướng kinh doanh năm 2023 từ mùa đại hội đồng cổ đông cũng sẽ được phản ánh vào VN-Index từ tuần này.
Dự báo, trong tuần 10/4 - 14/4, trạng thái giằng co giữa cung và cầu khả năng tiếp tục là diễn biến chủ đạo của thị trường trong bối cảnh xu hướng chính của chỉ số VN-Index vẫn là đi ngang trong khoảng 1.020 – 1.120 điểm từ đầu năm 2023.
Theo Báo cáo Phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tuần này áp lực chốt lời có thể còn tiếp diễn khi đà tăng của thị trường đang chậm lại sau phần lớn thời gian trong tuần vừa qua không thể vượt qua ngưỡng cản quanh 1.080 điểm.
Phía trước là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 được dự báo không mấy khả quan, do vậy trong kịch bản lạc quan thị trường sẽ đi vào giai đoạn phân hóa, xu hướng đi ngang tích lũy hoặc giảm nhẹ, trong kịch bản đó nhóm cổ phiếu đầu cơ khả năng sẽ được dòng tiền chú ý. Theo đó, MBS khuyến nghị cơ hội đầu tư ngắn hạn tuần này là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (Smallcap).
Chứng khoán SSI đưa ra quan điểm về thị trường trong ngắn hạn vẫn là rung lắc, giằng co. Nếu quan sát kể từ đầu năm 2023, trạng thái đi ngang của chỉ số vẫn được duy trì với vùng cận trên là 1.082 - 1.090 điểm trong khi cận dưới là 1.020 điểm.
Tương tự, diễn biến chủ đạo của VN30 vẫn là điều chỉnh và rung lắc, duy trì với vùng cận trên là 1.090 - 1.100 điểm và cận dưới là 1.010 - 1.016 điểm.
Nhìn chung, thị trường vẫn xu hướng đi lên trong trạng thái điều chỉnh thận trọng. Do đó, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội từ các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như tài chính, bất động sản, nguyên vật liệu...