Thị trường chứng khoán tuần này: Kỳ vọng những diễn biến khởi sắc
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt lưu ý rằng thị trường có thể xuất hiện các phiên biến động mạnh đan xen trong quá trình hướng đến vùng kháng cự 710-730 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong tuần này (từ 6-10/4), dù thị trường vẫn còn chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 và việc khối ngoại bán ròng mạnh.
Nhận định diễn biến TTCK Việt Nam tuần này, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến khởi sắc. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý nhà đầu tư rằng thị trường có thể xuất hiện các phiên biến động mạnh đan xen trong quá trình hướng đến vùng kháng cự 710-730 điểm, đặc biệt là trong những phiên đầu tuần.
Theo BVSC, đây là vùng kháng cự ngắn hạn của chỉ số. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ gặp phải áp lực bán và quay đầu điều chỉnh tại vùng kháng cự này.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch bệnh COVID-19 và hoạt động bán ròng trở lại của khối ngoại.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng tâm lý bi quan của nhà đầu tư đang dần được gỡ bỏ, thay vào đó là tâm lý lạc quan khi đa phần các cổ phiếu đã giảm quá sâu vào tạo ra sức hấp dẫn nhất định. Dòng tiền trên thị trường khá dồi dào và sẵn sàng mua giá cao nhất trong phiên. Xu hướng tích cực khả năng cao sẽ còn kéo dài và cơ hội đầu tư vẫn đang rộng mở trong thời gian tới.
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định. Dù vậy, điểm trừ vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại trên cả hai sàn. Như vậy, nhiều khả năng chỉ số sẽ quay trở lại vận động giằng co trong tuần tới khi tiếp cận các ngưỡng kháng cự cao hơn.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS, thị trường trong nước đã kết thúc tuần đầu tháng Tư bằng phiên tăng "rực rỡ," lấy lại mốc 700 điểm và tiếp tục ngược dòng so với các thị trường trong khu vực. Về kỹ thuật, thị trường đã tăng 6 phiên trong 7 phiên gần đây, qua đó giữ vững vùng hỗ trợ 650 điểm và hướng tới vùng 720 điểm.
Thực tế tuần qua, VN-Index tăng 0,8% so với tuần trước lên701,8 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0,5% lên 97,84 điểm.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường, nhưng áp lực bán đã giảm. Khối ngoại bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng trong tuần qua, giảm 20,7% so với tuần trước.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh mẽ vào những phiên cuối tuần nhờ diễn biến tăng giá của giá dầu thế giới. Nhờ đó, kết thúc tuần qua, PLX tăng tới 6,4%, BSR (1,8%), PVS (1%), PVC (2,3%), GAS (1,2%)...
Nhóm cổ phiếu dầu khí có thể còn tiếp tục có được động lực tăng trưởng nhờ những diễn biến mới về giá dầu thế giới.
Giá dầu thế giới chốt phiên 3/4 tăng mạnh, với giá dầu của Mỹ tăng gần 32% trong cả tuần, nhờ hy vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh sẽ cắt giảm sản lượng và kết thúc cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga.
Nhà phân tích về hàng hóa của Schneider Electric, Robbie Fraser cho rằng thị trường nhận được sự hỗ trợ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy ý tưởng thành lập liên minh giữa các nước sản xuất dầu mỏ với Nga, Saudi Arabia và có thể là cả Mỹ để cắt giảm sản lượng nhằm đối phó với việc nhu cầu giảm do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bên cạnh đó, ngày 4/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông sẽ áp thuế đối với dầu thô nhập khẩu hoặc thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ người lao động trong ngành năng lượng do sự cố về giá dầu.
Tuần qua, các mã cổ phiếu đầu ngành có mức tăng mạnh là nhân tố nâng đỡ thị trường.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, VCB tăng 3,8%, BID tăng 3,5% trong khi cổ phiếu đứng đầu thị trường về vốn hóa là VIC cũng tăng tới 11,3%. Các mã đầu ngành thép là HPG tăng 2,7%, HSG tăng 6,6%. Cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH tăng 7,6%. Cổ phiếu đầu ngành công nghệ là FPT tăng 1,2%. Cổ phiếu đầu ngành chứng khoán là SSI tăng 3,2%.
Thực tế TTCK Việt Nam đã ngược chiều thế giới khi tăng điểm trong tuần qua. Dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới lâm vào cảnh khó khăn và đẩy các TTCK nhiều quốc gia giảm mạnh.
Đơn cử, chứng khoán Mỹ có tuần giảm điểm mạnh khi dịch COVID-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng việc làm dài kỷ lục 113 tháng của Mỹ, từ đó làm gia tăng những lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế sâu.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 2,7%, chỉ số S&P 500 giảm 2,1% và chỉ số Nasdaq để mất 1,7%.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dịch COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 4.000 tỷ USD, tương đương 5% GDP toàn cầu, khi dịch bệnh này đang tàn phá kinh tế Mỹ, châu Âu và các nước lớn khác.
ADB cũng dự đoán tăng trưởng khu vực châu Á sẽ ở mức 2,2% trong năm nay, mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tại khu vực này 22 năm trước, trong khi GDP của Trung Quốc ước tính tăng 2,3%.
Dù vậy, ADB vẫn nhìn nhận khá lạc quan đối với nền kinh tế Việt Nam. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết: “Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.”
Nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Theo nhận định từ báo cáo Triển vọng phát triển châu Á-ADO 2020 của ADB, nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
Các động lực của tăng trưởng kinh tế - tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động - hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện. Chi tiêu công ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2020, có khả năng tiếp tục gia tăng.
Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, hứa hẹn tăng khả năng tiếp cận thị trường, sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc khống chế được dịch COVID-19 và việc phục hồi tăng trưởng trở lại của Trung Quốc sẽ góp phần khôi phục lại chuỗi giá trị toàn cầu.