Thị trường chứng khoán Việt Nam: Giữ đà tăng trong bối cảnh khó khăn
Trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó lường, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm. Các chính sách hỗ trợ, thông tin vĩ mô tích cực tiếp tục là trợ lực cho thị trường trong nửa cuối năm.
Sáng 13/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Trong đó, Hội nghị điểm lại tình hình TTCK 6 tháng đầu năm và triển vọng thị trường trong thời gian tới.
Phục hồi trong biến động
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều bất ổn. Theo đó, diễn biến thị trường luôn đan xen tăng giảm xuyên suốt nửa đầu năm. Sau những bước hồi phục trở lại trong tháng 1/2023, TTCK Việt Nam tiếp tục có những phiên giảm điểm trong tháng 2.
Bước sang tháng 3, trước những tin tức về bất ổn trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, TTCK Việt Nam đã trải qua một vài phiên giảm điểm nhưng sau đó đã hồi phục trong những tuần tiếp theo. Sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp, TTCK Việt Nam điều chỉnh trong tháng 4 và phục hồi ngay sau đó vào những tuần đầu tháng 5. Tiếp nối tháng 5, TTCK Việt Nam giao dịch khởi sắc trong tháng 6.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, kết thúc phiên ngày 30/6/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng 11,2% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 227,32 điểm, tăng 10,7% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 30/6/2023 đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP ước tính năm 2022.
Thanh khoản thị trường tiếp tục trầm lắng trong quý I/2023, với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt xấp xỉ 11.300 tỷ đồng/phiên, giảm 44% so với bình quân năm 2022. Bước sang quý II/2023, thanh khoản thị trường khởi sắc với giá trị giao dịch bình quân tháng 4, 5 và 6 tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 13.374 tỷ đồng/phiên, 14.495 tỷ đồng/phiên và 19.829 tỷ đồng/phiên. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.729 tỷ đồng/phiên, giảm 31,9% so với bình quân năm 2022.
Về hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch (ĐKGD), đến cuối tháng 5/2023, thị trường có 745 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) và 869 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 1.993 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2022 (tương đương 21% GDP ước tính năm 2022).
Trên thị trường trái phiếu niêm yết, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022. Về quy mô niêm yết, đến cuối tháng 5/2023, thị trường có 451 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.897 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022 (tương đương 19,9% GDP ước tính năm 2022).
Nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thị trường
Theo Bộ Tài chính, diễn biến tình hình trên TTCK trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.
Theo đó, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức dưới tác động của các chính sách tiền tệ thắt chặt, sụt giảm cầu tiêu dùng tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, bất ổn địa chính trị tiếp tục kéo dài...
Tuy nhiên, trước tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế như Mỹ và EU, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước cho dù vẫn tiếp tục nhưng có xu hướng chậm lại, với mức tăng nhỏ hơn. Đây là các tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.
Bên cạnh đó, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân gói nhà ở xã hội cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Ngoài ra, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục. Đây là những yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên TTCK trong quý III và quý IV/2023.