Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vượt “nguy” tìm “cơ”

Thùy Linh

Những thông tin trái chiều, đặc biệt là sự kiện Ngân hàng Sillicon Valey Bank (SVB) tại Mỹ đang cùng lúc tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đây chính là giai đoạn “lửa thử vàng” của thị trường giúp nhà đầu tư có thêm niềm tin cũng như tìm kiếm được những cổ phiếu giá trị đầu tư lâu dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường “bình tĩnh” trước sự sụp đổ của SVB

Một trong những sự kiện quan trọng tác động tới thị trường chứng khoán thế giới tuần qua chính là việc Ngân hàng SVB (Sillicon Valey Bank) tại Mỹ tuyên bố phá sản vào ngày 10/3, khiến cho hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư bị mắc kẹt.

Sự việc này đã khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sâu, nhất là nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng. Theo nhiều chuyên gia, sau thông tin SVB phá sản, nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới có thể bi quan, lo ngại. Tâm lý này dẫn đến hành động bán bớt tài sản khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm.

Thậm chí còn có lo ngại rằng kịch bản Lehman Brother năm 2008 có thể lặp lại. Thời điểm đó, Ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn phá sản vào ngày 15/9/2008 là biểu tượng của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, càn quét qua các thị trường tài chính trên thế giới và gây thiệt hại ước tính khoảng 10 nghìn tỷ USD cho sản lượng kinh tế bị mất.

Tuy nhiên, đánh giá về sự việc SVB, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) nhân định chưa quá đáng lo ngại vì quy mô của SVB là khá nhỏ, chỉ xấp xỉ 200 tỷ USD năm 2022 so với quy mô 600 tỷ USD của Lehman Brother năm 2008. Chưa kể, trong cuộc khủng hoảng năm 2008 còn có các ngân hàng cũng như công ty khác đã phá sản trước đó.

Cùng quan điểm, trong Báo cáo đánh giá tác động sự kiện SVB đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết rủi ro vẫn tập trung ở một số ngân hàng nhỏ của Mỹ, khi khả năng thanh khoản và tỷ lệ dự trữ ngày càng suy giảm. Nhà chức trách của Mỹ đã có những can thiệp ở mức độ nào đó nhằm trấn an người gửi tiền và giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Theo VNDirect, sẽ ít có tác động đến rủi ro hệ thống của các thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam. Phần lớn nhờ sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường bất động sản, tín dụng Trung Quốc đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi doanh số bán nhà bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 2/2023.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, các thị trường chứng khoán châu Á phản ứng tương đối “bình tĩnh” trong phiên ngày 13/3. Như tại Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 13/3 VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,2 điểm xuống mốc 1.052,8 điểm. VN30-Index thậm chí còn giữ được sắc xanh khi tăng 0,27%. Chỉ có cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của phiên này khi chìm trong sắc đỏ nhưng cũng không giảm “sốc” bằng thế giới. Đến phiên giao dịch ngày 15/3 thị trường vẫn giữ được sự ổn định ở mốc 1.062 điểm mà không có “cú lao dốc” đáng ngại nào xảy ra.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, các tác động về mặt tâm lý thường sẽ trong ngắn hạn. Còn việc quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nhà đầu tư trái phiếu, cổ đông và khách hàng SVB như thế nào, có lan tỏa tâm lý tiêu cực đến các thị trường khác trong dài hạn hay không thì còn phải chờ thời gian.

“Lửa thử vàng”

Theo nhiều chuyên gia, dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước vô vàn những khó khăn nhưng nhìn chung đây cũng chính là thời điểm “lửa thử vàng” để thị trường thể hiện sức mạnh nội tại. Có thể thấy, dù có nhiều thông tin tiêu cực tác động nhưng giai đoạn này cũng đang có không ít yếu tố hỗ trợ thị trường.

Mới đây nhất, vào chiều muộn ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm các lãi suất điều hành. Điều này đã kích thích làn sóng tăng giá ồ ạt trong phiên giao dịch ngày 15/3 khi kết phiên VN-Index tăng tới 22 điểm (tương đương 2,12%). Sắc xanh phủ rộng khắp các nhóm đặc biệt là nhóm bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Đây là mức tăng tốt nhất của VN-Index trong 17 phiên, một phản ứng khá tương xứng với thông tin hỗ trợ “nặng ký” như vậy.

Có thể thấy, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư cực kỳ nhạy cảm và tương quan nghịch với lãi suất. Trong ngắn hạn, kỳ vọng rằng thị trường sẽ phản ứng hưng phấn trước thông tin này. Nhìn về lịch sử, sau những quyết định hạ lãi suất, thị trường có thể kéo dài xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng cũng tác động tích cực lên thị trường chứng khoán trong nước đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã giảm bớt áp lực trái phiếu đáo hạn, từ đó "nút thắt" cho các doanh nghiệp bất động sản sẽ được gỡ bỏ và thị trường chứng khoán cũng sẽ khởi sắc hơn nhiều.

Hơn nữa, Nghị quyết số 33/NQ-CP (ban hành ngày 11/3) có lưu ý về vấn đề tái cấu trúc các khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản. Đây sẽ là một trong những thông tin thị trường khá mong chờ trong thời gian gần đây. Ngoài ra, dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETFs (ước khoảng 4.000 tỷ đồng) dự kiến vào Việt Nam cũng sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường trong nước trong thời gian tới.

Bên cạnh những thông tin hỗ trợ thì thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn. Sắp tới, Fed sẽ tăng lãi suất, xác xuất tăng 50 điểm khá cao. Do đó, nhiều nhà đầu tư đang bán ra các tài sản có rủi ro cao để giảm rủi ro (trong đó có cổ phiếu) và tìm kiếm giá trị trong các kênh đầu tư an toàn hơn.

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định trong nửa đầu năm 2023, đà tăng trưởng của VN-Index còn khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp cộng thêm áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.

Do vậy, công ty này khuyến cáo các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy, quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới cũng như nên ưu tiên 'mục tiêu phòng thủ' trong ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu giá trị hoặc cổ tức hấp dẫn.