Thị trường đang ủng hộ mua vào
Kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới và Việt Nam trong gần 2 tuần đầu tiên của tháng 11 đón nhận nhiều thông tin tích cực, mang đến những tín hiệu lạc quan cho TTCK.
Tín hiệu lạc quan
Chỉ số CK DJ (Mỹ) tăng mạnh, vượt đỉnh lịch sử 27.600 điểm, lên cao nhất trong nhiều năm. Nguyên nhân đầu tiên do thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã có những bước đi tích cực đi kèm với động thái hạ lãi suất kích thích tăng trưởng kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã khiến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) toàn cầu được cải thiện hơn, dòng tiền tham gia các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam cũng gia tăng. Chỉ số CK Việt Nam VN Index tăng vượt mốc 1.000 điểm, lên sát ngưỡng 1.030 điểm trong vòng hơn 1 năm qua.
TTCK Việt Nam đã tăng tốc giai đoạn vừa qua, khi VN Index bứt phá thuyết phục vượt mốc 1.000 điểm-mốc kháng cự rất mạnh thị trường gặp phải kể từ tháng 3. Phải nói rằng sự đồng thuận “kéo chỉ số” đã khiến TTCK vượt đỉnh mới
Nhiều chỉ số CK khu vực, thế giới đã hồi phục tốt, thậm chí vượt đỉnh mới, cho thấy niềm tin NĐT đã quay trở lại. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã phần nào hạ nhiệt, khi 2 bên tuyên bố hoãn áp thuế và có khả năng đưa ra những điều khoản có lợi cho 2 bên vào cuộc họp 3-12 tới.
Đây có thể là thông tin tích cực hỗ trợ TTCK toàn cầu. Khi Fed hạ lãi suất lần 3 là 0,25% tại kỳ họp cuối tháng 10, trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế hạ thấp triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2019.
TTCK Việt Nam trong giai đoạn này cũng đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ. Chỉ số PMI giảm từ mức 50,5 của tháng 9 xuống 50 điểm trong tháng 10, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 46 tháng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2019 ước tính đạt 4 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4%).
Trong 10 tháng qua, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn FDI giải ngân tăng 7,4%. Ngoài ra, tỷ giá USD liên ngân hàng dao động trong khoảng 23.260-23.270USD/VNĐ, ổn định hơn so với biên độ trong tháng 9. Lãi suất liên ngân hàng tại các loại kỳ hạn đều suy giảm trong tháng 10. Có thể nói, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô Việt Nam khá tích cực và là động lực hỗ trợ TTCK tăng điểm trong giai đoạn cuối năm.
Thế giới khởi sắc, Việt Nam ổn định
Điều duy nhất các chuyên gia lo ngại là tác động tiêu cực đến từ rủi ro địa chính trị thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, sự kiện Brexit cũng ảnh hưởng đến vấn đề tỷ giá. Tuy nhiên, lo ngại bởi sự suy thoái kinh tế tại một số khu vực, các ngân hàng trung ương cũng đã đưa ra động thái nới lỏng trong các tháng vừa qua. Lãi suất điều hành đồng loạt điều chỉnh giảm để kích thích tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giảm 0,25% lãi suất điều hành. Có thể nói sự hồi phục của TTCK Việt Nam đã phản ánh bởi diễn biến khởi sắc của kinh tế thế giới và Việt Nam.
Theo thống kê, giao dịch của khối ngoại trên TTCK giai đoạn vừa qua đã bán ròng 3 tháng liên tiếp 8, 9 và 10, với giá trị lần lượt 3.152 tỷ đồng, 1.145 tỷ đồng và 7.041 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng đến xu hướng chung của thị trường, dù lực cầu mua lên của khối nội được đánh giá khá tốt khi thị trường chung điều chỉnh. Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại đã có dấu hiệu đảo chiều kể từ đầu tháng 11, khi họ mua ròng cho đến ngày 12-11 hơn 473,8 tỷ đồng.
Sau giai đoạn điều chỉnh, tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs trong 9 tháng 2019, các quỹ FTSE Việt Nam, VNM ETFs nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tỷ trọng và mua vào một số CP lớn nhóm VN30. Các CP lớn ngoài việc được nâng tỷ trọng mua vào như VHM, VIC, việc mua gom CP quỹ đến từ VHM, VRE… cũng hứa hẹn TTCK trong 2 tháng 11 và 12 khởi sắc. Việc các CP lớn được mua gom cũng sẽ khiến chỉ số VN30 và VN Index vượt đỉnh mới.
Nhìn chung, dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN Index vẫn có khả năng tăng điểm lên 1.040, 1.080, thậm chí 1.100 điểm giai đoạn cuối năm. Xu hướng thị trường vẫn đang ủng hộ cho việc mua vào. Tuy nhiên, chọn CP và nắm giữ như thế nào vẫn là câu hỏi quan trọng nhất đối với NĐT cẩn trọng.