Thị trường hàng hóa Tết: Sôi động dịp cuối năm
Chỉ còn nửa tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Thế nhưng ngay lúc này, các cửa hàng lớn, nhỏ trên địa bàn Thủ đô đã bắt đầu bày bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu đón Tết. Các cửa hàng, siêu thị cũng vì thế mà tung các sản phẩm hấp dẫn, với mức giá ưu đãi cao, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều đáng mừng là hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên thị trường.
Dạo quanh những con phố, không khó gì để nhận thấy không khí nhộn nhịp, tấp nập “kẻ bán người mua” chuẩn bị đón Tết. Trước đó, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã đưa ra những kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ, tăng dự trữ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng với cam kết cung ứng đủ hàng và không tăng giá.
Hàng hóa Tết đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội
Để đảm bảo cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết, Bộ Công thương cũng đã có văn bản yêu cầu các Sở Công thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải sát sao theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý dịp cuối năm để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Triển khai kế hoạch này, Sở Công thương Hà Nội đã bố trí hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán năm nay với trị giá tương đương 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tổng cộng có tới 522.000 tấn thực phẩm, gồm: 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò; 220.000 tấn rau củ, 12.000 tấn thực phẩm chế biến, 12.000 tấn thủy hải sản, 3.500 tấn nông lâm sản khô, 3.000 tấn báng mứt kẹo; 200 triệu quả trứng gia cầm, 200 triệu lít rượu bia và 120.000m3 xăng dầu cùng nhiều hàng may mặc, điện máy… Sở và các doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ cùng hệ thống trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, đảm bảo người dân được mua sắm hàng Việt chất lượng, đúng giá.
Việc kết nối giao thương, cung ứng cũng được đảm bảo, hàng hóa có chất lượng cao, số lượng đủ và rõ ràng về nguồn gốc. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã tăng cường và có nhiều biện pháp ngăn chặn hàng lậu, hàng kém chất lượng qua con đường nhập khẩu, sản xuất hàng giả, hàng không qua kiểm soát xâm nhập vào địa bàn thành phố.
Phong phú mẫu mã, đảm bảo chất lượng
Thị trường từ nông thôn đến thành thị vào thời điểm này, lượng hàng hóa bày bán tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, chợ truyền thống đã tăng đáng kể về số lượng, chủng loại, nhất là các mặt hàng thiết yếu như hàng tiêu dùng, bánh kẹo, mứt, lương thực, thực phẩm, nông sản,...
Nhằm chủ động hàng hóa và ổn định giá dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đặc biệt, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa cung ứng cho thị trường được các doanh nghiệp trong nước quan tâm và dự báo nguồn hàng Việt Nam dành cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất sẽ khá dồi dào.
Theo dự báo nhu cầu hàng hóa của Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Dương lịch 2018 và Tết Âm lịch, nhu cầu về hàng hóa thiết yếu sẽ có sự tăng nhẹ, gạo sẽ tăng từ 5 - 7%, thịt lợn tăng 18 - 20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau, củ, quả tăng 10 - 15%… Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ngành Công thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố qua đó kết nối gần 25.500 tỷ đồng hàng hóa về Thủ đô, tăng 35% so với Tết năm 2017. Đa phần hàng hóa phục vụ thị trường Tết là từ nguồn cung của các doanh nghiệp trong nước.
Chị Thanh Vân, chủ một đại lý bánh kẹo lâu năm tại Trần Bình (Cầu Giấy) cho biết: “Đối với các sản phẩm bánh kẹo phục vụ thị trường Tết thì thương hiệu, giá cả, chất lượng và mẫu mã là những yếu tố quyết định tới tâm lý của khách hàng. Những năm gần đây, mặc dù có sự xuất hiện của hàng ngoại, hàng xách tay, song, nhiều hãng có tên tuổi của Việt Nam như bánh kẹo Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica, Vina cafe, rượu bia Hà Nội… vẫn được người tiêu dùng chọn mua nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều thông tin về bánh kẹo ngoại tráo ruột, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc khiến mọi người cảnh giác, có xu hướng quay về dùng hàng Việt Nam. Vì vậy, Tết này tôi bán chủ yếu là hàng Việt. Những ngày giáp Tết hàng về không đủ bán”.
Đa phần hàng hóa phục vụ thị trường Tết là từ nguồn cung của các doanh nghiệp trong nước, như rau, củ, quả từ: Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hải Dương, Sơn La; thịt lợn, gà từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang… Các mặt hàng này sẽ được bán phục vụ Tết tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, đảm bảo người dân được mua sắm hàng Việt chất lượng, đúng giá.
Nhiều chương trình hấp dẫn thu hút và kích cầu người tiêu dùng
Nhằm kích cầu mua sắm trong dịp cận Tết Mậu Tuất 2018, các siêu thị cũng đang đẩy mạnh việc triển khai các chương trình khuyến mại thu hút người tiêu dùng. Theo khảo sát, thời điểm này, các siêu thị đồng loạt thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giao động từ 5 - 49% đối với hàng nghìn mặt hàng. So với năm trước, số lượng mặt hàng tham gia giảm giá Tết năm nay tăng cao hơn và mức giảm sâu hơn.
Theo quan sát của phóng viên, tại một số hệ thống phân phối, như: VinMart, Big C, Lotte Mart, tổng lượng giỏ quà Tết tăng khá tốt với nhiều phân khúc giá cho người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Tùy theo mức giá giỏ quà, mỗi giỏ sẽ có số lượng các món đồ và chất lượng khác nhau, nhưng phần lớn các sản phẩm trong giỏ quà Tết là bánh kẹo, cà-phê, trà, đồ khô và rượu của các thương hiệu uy tín trong nước và nước ngoài.
Chị Thu Hà (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: “Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay tôi chủ động sắm Tết từ sớm hơn, cũng là để cân đối túi tiền của mình. Hơn nữa, thời điểm này các siêu thị, cửa hàng cũng có nhiều chương trình hấp dẫn, mình sẽ tiết kiệm được kha khá. Thư thả thời gian, tôi tìm hiểu và lựa chọn được những sản phẩm tại các cửa hàng ưng ý với mức giá dễ chịu, hợp túi tiền hơn. Không như năm ngoái sát Tết mới sắm sửa, vừa đông đúc, nhộn nhạo lại không chọn được đồ chất lượng đúng ý”.
Ngoài ra, tại các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang, các nhãn hiệu thời trang quốc tế cũng đang thực hiện các đợt siêu khuyến mãi để kích thích tiêu dùng cuối năm.
Không chỉ vậy, tháng khuyến mại 2017, ngoài chương trình giảm giá sâu các sản phẩm tiêu dùng, thiết yếu trong tháng, cũng như trong các ngày Vàng, còn đặc biệt có là các sự kiện “Tuần Vàng online”, “Khởi nghiệp cùng doanh nghiệp” và “Hội chợ Vàng khuyến mại” đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân Hà Nội.
Theo đó, doanh thu thương mại tăng trung bình từ 15 đến 30%. Lượng khách tới các trung tâm thương mại, siêu thị, các điểm vàng có thời điểm tăng 200% cho thấy lợi ích kích cầu tiêu dùng đã đạt được mục tiêu. Ngoài ra, uy tín của các doanh nghiệp Việt một lần nữa được nâng cao, khẳng định thương hiệu trong dân chúng. Chỉ riêng hơn 300 gian hàng tại Hội chợ Vàng khuyến mại, sản phẩm Việt đã đạt doanh thu 42,8 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2016 (32 tỷ).
Có thể nói, tháng khuyến mại Hà Nội trong vòng hơn 1 tháng qua đã kết nối chặt chẽ doanh nghiệp với người tiêu dùng, tạo cho người tiêu dùng cơ hội được mua sắm nhiều mặt hàng ưu đãi giảm giá, tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng Việt Nam, góp phần kích cầu tiêu dùng cuối năm và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của tri thức trẻ trên địa bàn Thủ đô.
Hàng Việt lan tỏa về các vùng quê
Để kích cầu trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức khoảng 10 phiên chợ Việt tại các huyện lân cận như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thạch Thất và Đan Phượng, cũng như khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện để đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm Tết của bà con vùng ngoại thành. Qua đó, tích cực đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tại các huyện ngoại thành Hà Nội, hàng Việt được người tiêu dùng đánh giá có mẫu mã không thua kém hàng ngoại, song giá cả lại thấp hơn nên tạo được sức cạnh tranh đáng kể.
Càng gần Tết, thị trường những mặt hàng thiết yếu càng trở nên “nóng” hơn, đặc biệt là các thực phẩm đồ khô. Do đó, người tiêu dùng nên thông thái lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ trong nước, có hạn sử dụng đầy đủ, bao bì bảo đảm chất lượng. Không nên vì tham rẻ mà chọn mua những mặt hàng trôi nổi trên thị trường, tránh bị “tiền mất tật mang”.