Bình ổn thị trường Tết Mậu Tuất 2018
Thông tin từ Bộ Tài chính và một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho thấy, công tác kiểm soát giá và cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018 đang diễn ra tích cực, bảo đảm nguồn cung, ổn định giá.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo điều hành giá, trong dịp Tết Mậu Tuất, sức mua của người dân sẽ không có nhiều biến động lớn so với năm 2016. Tính hình kinh tế năm 2017 phát triển tích cực nên nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, giá cả sẽ ổn định và ở mức hợp lý do các doanh nghiệp thương mại, phân phối, bán lẻ đã chủ động dự trữ hàng hóa, kết nối tiêu thụ các sản phẩm vùng miền.
Ngành Công Thương các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, đã tiến hành khảo sát thực tế, làm việc và kiểm tra tại một số doanh nghiệp lớn để thúc đẩy thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất. Tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cho biết, nguồn cung hàng hóa, thực phẩm trong dịp Tết sẽ phong phú, dồi dào. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cam kết sẽ ổn định giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm (thịt, trứng gia cầm, thực phẩm khô các loại…) trước và sau Tết một tháng, đồng thực hiện khuyến mãi giảm giá sâu trong 3 ngày cận Tết.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, từ nay đến Tết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại các hội chợ Xuân. Đồng thời tổ chức khoảng 150 chuyến bán hàng lưu động về các khu vực nông thôn, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết. Khuyến khích các doanh nghiệp mở cửa bán hàng đến hết ngày 30 Tết. Trong 3 giờ đồng hồ, nếu tiếp nhận các thông tin về biến động cung - cầu, giá cả hàng hóa bất thường qua đường dây nóng trên địa bàn, Sở sẽ chủ động triển khai các giải pháp điều tiết thị trường, giá cả, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các địa điểm có biến động để tránh gây tác động xấu đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng.
Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch chủ động phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ trước, trong và sau Tết với tổng giá trị khoảng 830 tỷ đồng. Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cũng đã ra quân tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết, tập trung vào các nhóm mặt hàng bánh, kẹo, rượu ngoại, các loại hàng cấm nhập khẩu, buôn bán như pháo, đồ chơi bạo lực; kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, phân phối hàng hóa từ nội thị đến các vùng nông thôn để ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết.
Về phía Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 15/1/2018, các đoàn công tác của Bộ đã tiến hành kiểm tra, nắm tình hình giá cả thị trường, thực hiện đăng ký, kê khai giá, cũng như công tác quản lý giá trong dịp Tết Mậu Tuất tại một số địa phương có chỉ số giá năm 2017 tăng cao, nhất là các địa phương chưa xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn mức giá của các dịch vụ chuyển từ phí sang cơ chế giá thuộc thẩm quyền… để có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý, bảo đảm ổn định giá.
Để giữ ổn định thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ.