Thị trường lao động AEC: Cơ hội và thách thức

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Quá trình thúc đẩy tự do lưu chuyển lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN đang đặt ra những thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

DN xuất khẩu lao động có thể phát triển xuất khẩu nguồn nhân lực hơn nữa ra các nước ASEAN. Nguồn: internet
DN xuất khẩu lao động có thể phát triển xuất khẩu nguồn nhân lực hơn nữa ra các nước ASEAN. Nguồn: internet
Tại Hội thảo “Tự do hóa thị trường lao động ASEAN - Cơ hội và thách thức cho cộng đồng DN Việt Nam” do VCCI tổ chức ngày 9/7, ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, theo dự kiến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào năm 2015.

Khi AEC hình thành sẽ tác động trực tiếp tới thị trường lao động của các nước nói riêng và của khu vực nói chung. Theo đó, việc lưu chuyển lao động trong khu vực là một yêu cầu tất yếu để tạo điều kiện thúc đẩy cho quá trình hợp tác và lưu thông thương mại giữa các nước.

Theo khảo sát của ILO, hiện tại ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myamar, lực lượng lao động dồi dào và khá trẻ, nhưng tỷ lệ đào tạo, kỹ năng nghề tương đối thấp. Trong khi đó ở các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan,… lao động đang có xu hướng già hóa.

Vì vậy, với các nước có nguồn lao động nhiều, trẻ thì đây là một cơ hội để phát triển thị trường lao động của mình trong thời gian tới.

Để tận dụng cơ hội này, bà Jae-Hee Chang, chuyên viên cao cấp của ILO cho rằng, trước khi tự do lưu chuyển lao động có tay nghề của các nước ASEAN được ký kết vào năm 2015, các quốc gia của ASEAN nên nắm vững và vận dụng các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) để tạo thuận lợi cho việc di chuyển, xuất khẩu lao động trong thời điểm hiện tại.

Hiện nay MRAs đã được ký kết ở một số lĩnh vực như: Người hành nghề y, nha khoa, y tá; dịch vụ kế toán, dịch vụ tư vấn; dịch vụ kiến trúc, dịch vụ đo đạc. Theo đó, MRAs sẽ công nhận kỹ năng, bằng cấp được đào tạo giữa các quốc gia để các lao động được dễ dàng di chuyển cùng với những nới lỏng về visa, thời gian lưu trú… từ đó tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu lao động trong quá trình đưa lao động xuất khẩu đến các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các DN cần chú ý tới khung Tham chiếu trình độ ASEAN (ARQF) để nắm bắt các quy định về kỹ năng tay nghề, bằng cấp ở từng quốc gia khi áp dụng cho các lao động ở nước khác trong khu vực để có những chuẩn bị và đầu tư trước khi thực hiện đưa lao động của nước mình xuất khẩu sang nước ASEAN.

Tận dụng cơ hội từ AEC

Báo cáo của ILO khi khảo sát hơn 300 DN tại 5 quốc gia trong khu vực ASEAN cho thấy, đa số các DN đều cho rằng cần phải đầu tư chiều sâu vào các lĩnh vực liên quan đến lao động, bởi vì chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tăng trưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Ngô Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty L&A, chia sẻ, khi ACE được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thị trường lao động ASEAN.

Các DN Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề, có chuyên môn và năng suất cao từ các nước trong khu vực để bù đắp vào những thiếu hụt ở các vị trí tại DN mình.

Đồng thời, khi đó với thị trường nhân lực rộng lớn và tự do hóa thị trường lao động thì các DN xuất khẩu lao động có thể phát triển xuất khẩu nguồn nhân lực hơn nữa ra các nước ASEAN.

Muốn vậy, ngay từ bây giờ, các DN Việt cần phải xây dựng các chiến lược về lao động để nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh nguồn nhân lực của mình.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư nguồn nhân lực đã được đào tạo, có kỹ năng nghề cao, có trình độ chuyên môn cao, việc nâng cao sức hấp dẫn hình ảnh DN là điều kiện quan trọng để đáp ứng kỳ vọng cho người đến làm việc cũng như cho quá trình xuất khẩu lao động.

Trong quá trình đón đầu việc tự do hóa thị trường lao động ASEAN, các DN cũng cần lưu ý đến quy mô cũng như số lượng khi sử dụng nguồn lao động nhập cư từ bên ngoài.

Bài học kinh nghiệm từ ngành Điện tử của Malaysia cho thấy, khi phát triển ngành công nghiệp điện tử nhưng lại sử dụng quá nhiều vào nguồn lao động có tay nghề thấp (chi phí nhân công thấp) từ các nước khác trong khu vực nên đã làm giảm khả năng cạnh tranh của Malaysia trong lĩnh vực này.