Thị trường trái phiếu 2014: Tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo

PV.

(Tài chính) Với khuôn khổ pháp lý đồng bộ và sự điều hành có hiệu quả, thị trường trái phiếu năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, là tiền đề cho mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu trong những năm tiếp theo.

Thị trường trái phiếu năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nguồn: internet
Thị trường trái phiếu năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nguồn: internet

Năm 2014 nhiều thành tựu

Trong năm 2014, nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho thị trường trái phiếu đã được ban hành khá đầy đủ, bao quát hầu hết các hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu, tạo ra nền tảng cần thiết để khuyến khích, thúc đẩy, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành trái phiếu. Trong năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014); Bộ Tài chính đã sửa đổi bổ sung các Thông tư hướng dẫn Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương sau thời gian triển khai thực hiện từ năm 2012.

Năm 2014, mặc dù thị trường trái phiếu có nhiều biến động, tuy nhiên với sự điều hành linh hoạt theo sát diễn biến thực tế của thị trường,  hoạt động của thị trường trái phiếu đã đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn, từng bước phối hợp nhịp nhàng với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và làm cơ sở cho các hoạt động huy động vốn trong giai đoạn hiện nay. 

Nhờ đó, thị trường trái phiếu năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Về khối lượng huy động, tổng số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu (gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp) là 288.722 tỷ đồng, bằng 7,27% GDP năm 2014. Trong đó riêng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2014 đạt 234.067 tỷ đồng, tăng 30% so với khối lượng huy động năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2010. Khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 17.555 tỷ đồng, trái phiếu chính quyền địa phương là 7.400 tỷ đồng. Khối lượng huy động trái phiếu doanh nghiệp là 26.722 tỷ đồng. Từ đó đã góp phần thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 và đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đã được kéo dài so với các năm trước. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt 4,95 năm (tăng 1,74 năm so với năm 2013), trong đó trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 47% tổng khối lượng phát hành năm 2014. Kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu do Ngân hàng Phát triển phát hành là 3,36 năm (tăng 0,53 năm so với năm 2013) và do Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành là 3,70 năm (tăng 0,71 năm so với năm 2013). Bên cạnh đó, so với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất thị trường trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2014 giảm khoảng 1,30%-3,70% đối với các kỳ hạn, phù hợp với điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN. Tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ toàn thị trường trái phiếu là 864.952 tỷ đồng, bằng 21,77% GDP năm 2014 (năm 2013 là 19%GDP); trong đó riêng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 549.991 tỷ đồng, bằng 13,84% GDP năm 2014 (năm 2013 là 11,26% GDP).

Trên thị trường trái phiếu đã hình thành hệ thống các nhà tạo lập thị trường hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động huy động vốn trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Năm 2014, giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã tăng khoảng 2 lần so với năm 2013, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn có hiệu quả cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đã quan tâm lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh.  

Nỗ lực hơn nữa trong những năm tiếp theo

Trong năm 2015, Bộ Tài chính chủ trương tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia huy động vốn trên thị trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu mà trọng tâm là thị trường trái phiếu Chính phủ theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 261/QĐ-BTC năm 2013 nhằm thúc đẩy việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, cho chính quyền địa phương và cho các doanh nghiệp.

Gắn kết việc điều hành thị trường trái phiếu Chính phủ với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước nhằm đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô và hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Thực hiện cơ chế điều hành lãi suất trái phiếu Chính phủ linh hoạt phù hợp với lãi suất trên thị trường tiền tệ đảm bảo vai trò định hướng và tham chiếu cho các loại lãi suất khác, hình thành đường cong lãi suất chuẩn của thị trường. Thực hiện tái cơ cấu các loại trái phiếu đã phát hành để tạo thuận lợi cho giao dịch trên thị trường thứ cấp và tăng tính thanh khoản cho trái phiếu, tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục trái phiếu, giảm gánh nặng trả nợ của ngân sách trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích các địa phương có tiềm lực về tài chính tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu để đáp ứng các nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương cho đầu tư, đảm bảo khả năng trả nợ khi đến hạn, đảm bảo an toàn tài chính của địa phương.

Đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn nhằm đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho đầu tư phát triển của doanh nghiệp và giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động tín dụng của ngân hàng. Đa dạng hoá hình thức trái phiếu; tạo điều kiện chủ động và thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành trái phiếu.