Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

Minh Lâm

Tỷ lệ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)/GDP giảm nhẹ trong nửa đầu năm và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đang nỗ lực đưa ra các chính sách hỗ trợ, giải pháp để phát triển thị trường TPDN bền vững, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Tỷ lệ dư nợ TPDN/GDP thấp trong khu vực

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường TPDN có tổng cộng 34 doanh nghiệp phát hành mới với giá trị đạt 55.000 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có khoảng 6.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng, giảm 15,9% so với cùng kỳ và 49.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2022...

Cơ cấu giá trị phát hành TPDN theo ngành nghề. Nguồn: TCBS
Cơ cấu giá trị phát hành TPDN theo ngành nghề. Nguồn: TCBS

Dư nợ TPDN Việt Nam có xu hướng tăng trong dài hạn, tuy nhiên đã chậm lại kể từ nửa cuối năm 2022. Theo Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), dư nợ trái phiếu TPDN tính đến hết tháng 6/2023 khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 12% GDP năm 2022.

Tỷ lệ dư nợ TPDN/GDP giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2023 (năm 2022, quy mô thị trường TPDN Việt Nam bằng 14,81% GDP) và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn.

Hình 1: Tỷ lệ dư nợ TPDN/GDP của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực

 Nguồn: TCBS
 Nguồn: TCBS

Bất động sản vẫn là lĩnh vực phát hành TPDN nhiều nhất trong nửa đầu năm 2023, khi chiếm tỷ trọng 54% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 35% tổng giá trị phát hạnh. Nhóm bán lẻ và tài nguyên cơ bản lần lượt chiếm tỷ trọng 10% và 5% tổng giá trị phát hành, các nhóm ngành nghề khác chiếm 6% tổng giá trị phát hành.

Lãi suất phát hành sơ cấp TPDN (không tính trái phiếu ngân hàng) dao động trong khoảng 9,0% - 11,6%. Trong đó, lãi suất sơ cấp bình quân TPDN bất động sản cao nhất, là 11,6%, tiếp đến là lãi suất sơ cấp bình quân TPDN bán lẻ là 10,6%, TPDN tài nguyên cơ bản là 9%... Kỳ hạn bình quân TPDN chủ yếu trong khoảng từ 3-5 năm, cao nhất tại nhóm tài nguyên cơ bản và bán lẻ với kỳ bình quân 5 năm.

Thị phần tư vấn phát hành TPDN tập trung ở các tổ chức như TCBS, MBS, PSI. Riêng TCBS chiếm thị phần 66%, tương đương tư vấn phát hành hơn 36.000 tỷ đồng TPDN trong 6 tháng đầu năm. Đi sau là các công ty chứng khoán PSI (8%), MBS (7%), HDBS (5%), VIS (5%) và các tổ chức khác (9%).

Nỗ lực tháo gỡ nút thắt

Thị trường TPDN sau đó tiếp tục ảm đạm do tâm lý nhà đầu tư còn nhiều e ngại, khiến dòng tiền chưa tìm về kênh đầu tư TPDN. Trong khi đó, số doanh nghiệp phát hành chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN vẫn còn (59 doanh nghiệp, theo thông báo của HNX).

Tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ TPDN toàn thị trường.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành loạt chính sách hỗ trợ như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP; Thông tư số 03/2023/TT-NHNN… Tác động của những chính sách này được phản ánh ngay lập tức qua sự phục hồi  giá trị TPDN được phát hành mới hồi tháng 3.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, đại dịch COVID-19 kéo dài gần 3 năm trên toàn cầu là một rủi ro bất khả kháng, không chỉ với Việt Nam mà xảy ra trên toàn thế giới. Trong bối cảnh mọi hoạt động kinh tế đứt gãy, thanh khoản dần biến mất, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bị suy yếu là điều khó tránh, dẫn đến sự trầm lắng của các kênh dẫn vốn.

Do đó, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ về thời gian, điều kiện tái cấu trúc lại nợ và cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp mà là vấn đề của cả quốc gia. Bởi lẽ, tất cả các nước đều khó khăn sau đại dịch nếu như chính phủ nào có giải pháp đúng thì sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế.

Đến ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ (TPDNRL) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chính thức vận hành. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của thị trường TPDN riêng lẻ ghi nhận 39 lệnh giao dịch thành công của nhà đầu tư, với hơn 5 triệu trái phiếu được giao dịch có tổng giá trị 1.781,34 tỷ đồng.

Theo TS. Đặng Thái Bình - Viện Hàn lâm, Khoa học xã hội Việt Nam, việc xây dựng hệ thống giao dịch TPDNRL là một bược tiến quan trọng, thể hiện nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam triển khai xây dựng hệ thống giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDNRL.

Các TPDN riêng lẻ được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch TPDN riêng lẻ, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.