Tìm lực đẩy cho xuất khẩu gạo
Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 dự kiến khoảng 6,5 triệu tấn, chênh lệch không đáng kể so với năm 2015. Bên cạnh những cơ hội trước các FTA, thị trường AEC hay TPP, ngành lúa gạo Việt Nam năm nay được dự báo còn nhiều thách thức lớn về hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Theo nhận định mới đây của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), năm 2016, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bớt khó khăn hơn năm 2015. Thế nhưng giá bán và số lượng xuất khẩu như thế nào sẽ còn tùy thuộc ít nhiều vào diễn biến thời tiết.
Năm vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 6,568 triệu tấn gạo, đạt 2,68 tỷ USD, tăng 4% về lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với năm 2014, đứng sau Ấn Độ (hơn 10,2 triệu tấn) và Thái Lan (gần 9,6 triệu tấn).
Khả năng cạnh tranh thấp
Thực tế cho thấy, nếu không nhờ hai hợp đồng lớn xuất khẩu gạo đến từ Philippines, Indonesia với số lượng 1,5 triệu tấn hồi tháng 10/2015 thì xuất khẩu gạo khó mà lành mạnh hóa tài chính. Mặc dù có chính sách hỗ trợ mua gạo tạm trữ nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp khó khăn về đầu ra, giá cả, áp lực về vốn, nợ vay…
Được biết, sau khi ký Hiệp định TPP, thị trường này sẽ có nhu cầu nhập 80.000 tấn gạo/năm, giúp tăng thêm cơ hội xuất khẩu gạo Việt. Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cũng cần có năng lực, sự quyết đoán và chủ động của VFA khi hội nhập TPP.
Trước vấn đề hội nhập của xuất khẩu gạo, theo nhận định gần đây của Ts Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành hàng này còn thấp. Bởi vì tăng trưởng sản xuất lúa gạo chủ yếu theo chiều rộng và có xu hướng giảm dần, chất lượng gạo chưa cao, chế biến sâu còn hạn chế.
Cũng theo Ts Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, nguyên nhân chính là do thể chế và chính sách liên quan đến ngành lúa gạo thay đổi chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu khách quan trong phát triển ngành lúa gạo trước hội nhập.
Ông Tuấn cho rằng trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa chưa tạo sân chơi bình đẳng cho các tác nhân. Nhất là VFA chưa thực sự đại diện cho tất cả các tác nhân sản xuất và kinh doanh trong phát triển ngành lúa gạo.
Theo các chuyên gia, VFA hiện nay hoạt động như một cơ quan quản lý ngành hàng, nhất là quản lý việc kinh doanh xuất khẩu gạo dựa trên các biện pháp hành chính là chủ yếu. Điều này làm cho thị trường xuất khẩu cứng nhắc, thiếu năng động.
Trong khi đó, VFA đã bỏ qua một số vai trò mà các hiệp hội ngành hàng như xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng, quảng bá thương hiệu, ổn định nguồn cung trong nước, mở rộng hội viên theo liên kết dọc nhằm kết nối hợp tác và phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng hiệu quả hơn…
Theo Ts Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, đối với VFA, cần thay đổi cơ chế hoạt động và phương thức kinh doanh trở thành Hội đồng ngành hàng. VFA cũng nên giảm bớt sự phụ thuộc vào các hợp đồng chính phủ và các hình thức phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu, chỉ tiêu thu mua tạm trữ theo phương thức hành chính.
Nâng vị thế xuất khẩu gạo
Theo Ts. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở phân khúc trung bình và thấp. Gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.
Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo. Thế nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế.
Ts Phạm Nguyên Minh nhận xét Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới và tham gia thị trường toàn cầu chậm hơn so với nhiều nước. Vì vậy, chúng ta không thể đứng ngoài xu hướng này mà phải tham gia, lựa chọn cho mình một cách thức tham gia đúng. Nhất là phải nâng cấp vị thế xuất khẩu gạo trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Minh cho rằng chỉ có tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chúng ta mới có thêm cơ hội mở rộng thị trường, khai thác được lợi thế so sánh, tiếp thu có hiệu quả sự chuyển giao vốn, công nghệ và kiến thức kinh doanh hiện đại.
Theo giới chuyên gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mà nhiều nhà sản xuất quan tâm. Đó là chúng ta sẽ có được thông tin thị trường cần cái gì, cần vào thời điểm nào, cần bao nhiêu và giá cả ra sao, có thể thực hiện “sản xuất và bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái chúng ta có”.
Kinh nghiệm ở Thái Lan cho thấy, trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, để cạnh tranh thành công, Thái Lan đã chuyển đổi nhanh chóng sang hệ thống sản xuất và công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng sản phẩm.
Chính vì vậy, nước này hiện là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm 2016, nước này xuất khẩu gần 9,6 triệu tấn, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo toàn cầu dù sản lượng chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng gạo thế giới.