Thoái vốn Nhà nước: “Nút thắt” đã gỡ

Theo Đình Đại/enternews.vn

"Nút thắt" thoái vốn Nhà nước liệu đã hoàn toàn được tháo gỡ khi mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn nhiều quy định tại Nghị định số 140/2020/NĐ-CP...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã thực hiện thoái vốn với tổng giá trị hơn 286 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 3 doanh nghiệp theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị hơn 52 tỷ đồng, thu về hơn 84 tỷ đồng.

SCIC cũng đã thoái vốn thành công tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam (HoSE: GVR), Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Thái Sơn với tổng giá trị hơn 234 tỷ đồng, thu về hơn 2.080 tỷ đồng.

Ngoài ra, SCIC đã bán 49,89% vốn điều lệ của Công ty CP XNK Sa Giang (HNX: SGC) cho Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), thu về khoảng 348 tỷ đồng. Giao dịch này được thực hiện vào cuối năm 2020 và hoàn tất chuyển giao cổ phiếu vào ngày 22/1/2021.

Bên cạnh việc thoán vốn thành công ở nhiều doanh nghiệp, SCIC cũng đã thông báo hủy hàng loạt buổi đấu giá bán vốn Nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Công ty CP Công trình Giao thông Bình Thuận, Công ty CP Thuốc ung thư Benovas…

Theo đó, phiên đấu giá cổ phiếu của Công ty CP Công trình Giao thông Bình Thuận và Benovas bị hủy do không có nhà đầu tư tham gia. Riêng đối với Vocarimex có 2 nhà đầu tư đăng ký mua gồm Tập đoàn Kido và cá nhân Trần Hoàng Nam, đủ điều kiện tổ chức nhưng bị dừng do chưa có văn bản hướng dẫn Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/11/2020.

Tương tự, vào cuối năm 2020, Bộ Xây dựng có kế hoạch bán 13,2 triệu cổ phiếu Tổng Công ty Sông Hồng, với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau gần 20 ngày công bố phương án, Bộ Xây dựng phải thông báo tạm dừng với lý do Nghị định 140 không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp các đơn vị đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020.

Theo lãnh đạo SCIC, hoạt động thoái vốn Nhà nước thời gian qua bị “đóng băng” là do phải chờ văn bản hướng dẫn một số quy định tại Nghị định 140. Cụ thể, có 2 nội dung thuộc Nghị định phải hướng dẫn thi hành là việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử của doanh nghiệp và quy chế bán đấu giá mẫu.

Cũng theo đại diện SCIC, hiện “nút thắt” này gần như đã được giải quyết, khi vào ngày 26/5, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015, Nghị định số 32/2018, Nghị định số 121/2020 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.

Thông tư số 36/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/7/2021, hướng dẫn một số nội dung Nghị định 140/2020/NĐ-CP, trong đó, điều quan trọng nhất là hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp theo giá trị văn hóa, lịch sử.

Mới đây, SCIC vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn trong 2021, trong đó có 31 doanh nghiệp có mã cổ phiếu giao dịch trên các sàn Chứng khoán Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp này có nhiều “hàng ngon” được nhà đầu tư chờ đợi như: Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) với vốn điều lệ hơn 6.400 tỷ đồng (SCIC sở hữu 36%); Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) với vốn điều lệ hơn 7.760 tỷ đồng (SCIC sở hữu gần 6%); Tổng Công ty Sông Đà (UpCOM: SJG) với vốn điều lệ gần 4.500 tỷ đồng (SCIC sở hữu 99,79%); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UpCOM: VGT) với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng (SCIC sở hữu 53,49%)...

Danh mục nhiều hàng hóa hấp dẫn, cùng với đó là “nút thắt” Nghị định số 140/2020/NĐ-CP đã được tháo gỡ bởi Thông tư số 36/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, đây chính là cơ hội để hoạt động thoái vốn Nhà nước thoát khỏi tình trạng đứng bên lề sôi động của thị trường chứng khoán như đã diễn ra từ bấy lâu nay...