Thời điểm thuận lợi để ngân hàng gọi vốn ngoại
Sau một thời gian im ắng, gần đây, một số ngân hàng Việt Nam đang có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế.
Đơn cử, HDBank trình cổ đông chấp thuận phương án phát hành tối đa 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế cho nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ theo chương trình Euro Medium Term Note và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm theo chứng quyền.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HDBank cho biết, hiện tổng tài sản của ngân hàng đã trên 10 tỷ USD và vốn chủ sở hữu cũng trên 1 tỷ USD. “Quyết định phát hành trái phiếu quốc tế vào thời điểm này vì các nước đang trong quá trình hỗ trợ kinh tế khi gặp Covid-19. Họ bơm thêm tiền rất lớn ra thị trường, với lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất, tạo ra nguồn vốn dồi dào trên thị trường vốn quốc tế. Đây là thời điểm thuận lợi để phát hành nhằm có nguồn vốn dài hạn và có mức lãi suất tốt trong kế hoạch lâu dài của ngân hàng, bổ sung các nguồn vốn có khả năng tài trợ cho các dự án, đặc biệt là những dự án cho mục đích phục hồi hậu Covid”, bà Thảo cho biết lý do.
HDBank là ngân hàng thứ hai liên tiếp trong vòng hai năm qua đặt tham vọng phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Trước đó hồi giữa tháng 7/2019, VPBank cũng đã phát hành thành công trái phiếu quốc tế đợt 1 với khối lượng là 300 triệu USD trong kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu theo chương trình Euro Medium Term Note, kỳ hạn 3 đến 5 năm và niêm yết tại thị trường quốc tế.
Xu hướng nhiều ngân hàng Việt Nam tăng cường phát hành trái phiếu quốc tế được giới chuyên môn đánh giá là tín hiệu tích cực cho thấy các ngân hàng Việt đã có đủ tự tin cũng như đủ uy tín thuyết phục thị trường để huy động vốn từ nước ngoài. “Động thái này còn giúp ngân hàng có thêm nội lực, khả năng hoạt động để mở rộng thị trường cũng như khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường quốc tế và từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính”, một chuyên gia bình luận.
Không chỉ phù hợp về xu hướng, việc phát hành trái phiếu quốc tế thời điểm này so với năm ngoái cũng có thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn. Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) Lê Đức Khánh cho biết, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt và vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới còn đang tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các “đại bàng” từ các Hiệp định thương mại lớn như EVFTA... Trên cơ sở đó có tổ chức quốc tế đánh giá cao về khả năng hồi phục mạnh của kinh tế Việt Nam vào năm 2021.
Khi nền kinh tế được đánh giá tích cực, hệ thống ngân hàng chắc chắn hưởng lợi. Minh chứng là mới đây, Moody’s đã giữ nguyên xếp hạng B1 với triển vọng ổn định cho 4 ngân hàng Việt Nam. Trong khi đó thời gian qua, đã có nhiều ngân hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới bị hạ triển vọng cũng như xếp hạng tín nhiệm. Việc hệ thống ngân hàng được giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm ở mức ổn định và ổn định cao là một điểm cộng đối với ngân hàng muốn huy động nguồn vốn quốc tế. Dẫn chứng cụ thể trường hợp HDBank, trong tháng 4/2020, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho HDBank - phản ánh năng lực tài chính tốt, ít rủi ro tài chính và cơ hội phát triển dài hạn của ngân hàng. Mức độ chuyên nghiệp của các ngân hàng Việt Nam cũng đang được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao hơn thể hiện qua việc công khai minh bạch báo cáo tài chính, chiến lược kinh doanh dài hạn và đầu tư hiệu quả, quản lý rủi ro và nâng cao năng lực điều hành.
Một điểm thuận lợi nữa cho việc phát hành trái phiếu thời điểm này, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia là đồng USD giảm, lãi suất duy trì ở mức thấp. Theo đó, lãi suất trái phiếu của các ngân hàng phát hành trong năm nay có thể xoay quanh mức 6,25% như mức lãi suất mà VPBank huy động từ năm 2019 hoặc có thể thấp hơn vì mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên nếu cộng thêm các chi phí khác như chênh lệch tỷ giá khoảng 1-1,5%, mức lãi suất mà các ngân hàng phải trả cũng chỉ tương đương lãi suất huy động kỳ hạn dài trong nước khoảng 7 - 8%.
So sánh về giá, với lãi suất ở quanh mức như hiện tại, có thể nguồn vốn huy động từ quốc tế không phải rẻ so với phát hành trái phiếu trong nước. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng đang cần tăng quy mô nguồn vốn lớn, nhất là vốn trung, dài hạn phục vụ cho giai đoạn hậu Covid. Chưa kể việc huy động vốn ngoại tệ dài hạn và ổn định thông qua phát hành trái phiếu quốc tế giúp cân đối nguồn vốn cho các khoản tín dụng ngoại tệ trung và dài hạn đã giải ngân cũng như các cam kết đã ký kết với khách hàng. Việc phát hành trái phiếu quốc tế tạo cơ sở cho ngân hàng xây dựng và thực hiện tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính và an toàn vốn, nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường quốc tế. Nếu xét về chi phí cơ hội có thể vẫn là giá hời cho các ngân hàng.
Theo nhận định của ông Lê Đức Khánh, rủi ro cho khoản vay giảm đi khá nhiều so với giai đoạn trước đây. Xét về yếu tố cung - cầu vốn, các ngân hàng nhất là ngân hàng lớn đang chờ cơ hội tín dụng bật tăng khi nền kinh tế phục hồi, nên rất cần vốn khả dụng dự phòng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Vì vậy, huy động được trái phiếu quốc tế với lãi suất như trên là khá mềm cho các ngân hàng.
Tất nhiên dù là thời điểm đang khá thuận lợi nhưng không đồng nghĩa với việc ngân hàng nào phát hành trái phiếu quốc tế cũng thành công. Trường hợp của SeABank đã phải dời kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trong năm 2019 sang năm 2020... Đến thời điểm này kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng này vẫn chưa có thêm thông tin gì mới.
Như trên đã đề cập, khi sử dụng nguồn vốn quốc tế, ngân hàng phải chịu áp lực về dùng vốn có hiệu quả cao hơn khi phải gánh thêm chi phí rủi ro về tỷ giá và chi phí khác (nếu có). Thực tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn nhùng nhằng, đồng USD rất khó dự đoán… nên rủi ro trong tương lai đối với các khoản vay trên là không hề nhỏ. Vì vậy, các ngân hàng nên cân nhắc liều lượng, thời điểm, mục tiêu khai thác để thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả mà không đẩy rủi ro lớn cho tương lai.