Thời gian trở thành át chủ bài của công ty tài chính
Một trong những lợi thế đặc thù khiến các đối thủ cũng phải “ngả mũ chào thua” các công ty tài chính trong việc làm hài lòng khách hàng chính là tốc độ duyệt khoản vay cho khách hàng. Nếu các tổ chức tín dụng thông thường giải quyết hồ sơ vay theo đơn vị tính bằng ngày, thì ở các công ty tài chính con số này được rút ngắn xuống còn vài… phút.
Về quy trình, khách hàng đến điểm tư vấn của một số công ty tài chính (CTTC) được đặt tại các cửa hàng điện máy, điện gia dụng, điện thoại để được tư vấn về vay trả góp. Sau khi nhân viên tư vấn tiếp nhận Đơn đề nghị vay vốn từ khách hàng, quy trình thẩm định sau đó hầu như là tự động. Khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân cho các CTTC, như là: chứng minh nhân dân, số điện thoại, nghề nghiệp, địa chỉ email…
Đối với CTTC, chỉ cần lấy được thông tin về lịch sử mua sắm cũng như thông tin về sản phẩm được mua tại cửa hàng là họ đã có một phần cơ sở để cho vay.
Bên cạnh đó, hệ thống của CTTC sẽ tổng hợp một cách có hệ thống những thông tin từ nhiều nguồn: từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nơi lịch sử tín dụng của khách hàng được lưu trữ trong vòng 5 năm; và từ các nguồn khác từ bên ngoài. Với tất cả những thông tin trên, hệ thống sẽ đưa ra “bảng điểm” cho từng khách hàng.
Dựa vào bảng điểm đó, CTTC sẽ quyết định bước tiếp theo. Họ có thể duyệt khoản vay ngay lập tức, hoặc là sẽ thực hiện gọi điện để xác thực lại thông tin trước khi ra quyết định cuối cùng. Kết quả đó sẽ được chuyển ngược lại cho nhân viên tư vấn để nhân viên thông báo cho khách hàng.
Việc tất cả quy trình thẩm định trên được thực hiện trong vòng vài phút và hoàn toàn tự động vô hình trung trở thành ưu điểm nổi bật để các CTTC cạnh tranh cho vay với các sản phẩm dịch vụ bán lẻ tài chính của các đối thủ.
Chi tiết hơn, ở thời điểm hiện tại theo thông tin của Home Credit chia sẻ, có tới 95% khách hàng của công ty này nhận được kết quả dưới 15 phút, trung bình khoảng 5 phút cho mỗi khách hàng. Rõ ràng, mỗi ngày dù nhận được hàng ngàn đơn đề nghị vay vốn, nhưng nhờ vào hệ thống tính điểm nội bộ ưu việt này, Home Credit chỉ mất vài phút để đưa ra quyết định cho mỗi hồ sơ.
Về phía khách hàng, đây cũng chính là điều mà họ cần và hài lòng nhất khi đi vay. Họ không cần đến những thủ tục rườm ra, khó dễ, họ chỉ cần biết rằng: mình được vay bao nhiêu và phải trả bao nhiêu, trong thời gian bao lâu. Và họ sẽ không muốn phải biết đơn vị cho họ vay sẽ làm bằng cách nào, kiểm soát rủi ro ra sao…
Thừa nhận điều này, một lãnh đạo CTTC chia sẻ, trước đây họ cũng có những tính toán nhất định để ràng buộc người vay, hạn chế rủi ro không trả nợ được. Thế nhưng sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, CTTC này đã hiểu được rằng điều mà khách hàng muốn chỉ là làm sao được vay nhanh nhất, phần còn lại họ không quan tâm.
Thế nên, chỉ cần có nơi nào cho vay nhanh hơn thì họ sẽ tìm đến để vay mà không cần biết nơi đó lãi suất cao hơn hay tiến trình đòi nợ gắt gao hơn. Cũng có cùng quan điểm, lãnh đạo của Home Credit nói rằng, công ty đã nhận ra được nhu cầu của người vay nên ngày một cải tiến thời gian cho vay.
Thực tế, Home Credit có lợi thế là kế thừa hệ thống tính điểm từ công ty mẹ ở Cộng hòa Czech. Hệ thống tính điểm tự động đã được phát triển trong nhiều năm bởi những chuyên gia hàng đầu và sau đó được sửa đổi để áp dụng cho từng quốc gia nơi Home Credit hoạt động.
Song song, để hạn chế rủi ro cho vay, công ty cũng đã cho triển khai dự án có tên gọi là Dữ liệu lớn (Big Data) chứa đựng tất cả những thông tin về lịch sử tín dụng của mỗi khách hàng. Nguồn dữ liệu này sẽ giúp chúng tôi đánh giá chính xác hơn về khách hàng trước khi quyết định có cho họ vay hay không.
“Điều đó lý giải tại sao cho vay với số lượng lớn nhưng công ty chúng tôi luôn duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức dưới 4%. So với chuẩn quốc tế, con số này khá thấp trong ngành dịch vụ tài chính tiêu dùng”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Nhìn chung, các CTTC hoạt động tại Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Từ việc rút ngắn thời gian, thủ tục, độ tuổi… họ còn liên tục tìm ra được nhu cầu thực tế của người vay. Đây là điểm tích cực cho người tiêu dùng Việt Nam khi không còn phải sống trong thời kỳ “xin vay”.
Tuy nhiên, dù được tạo điều kiện đến đâu, giới chuyên môn vẫn khuyên rằng đối với người không có nhu cầu tiêu xài cần thiết, nên hạn chế vay trả góp vì lãi suất cho vay lĩnh vực này còn khá cao. Đồng thời, người vay cũng cần phải cân nhắc kỹ nguồn tiền trả nợ để tránh phát sinh những rắc rối sau này, nhất là khi những khoản nợ có giá trị không quá lớn bị chuyển thành nợ quá hạn.