Thói quen xài sang
Một nghịch lý dễ nhận thấy ở nước ta, nhiều người có "thói quen" xài sang, sẵn sàng vay mượn, bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua ô-tô, đồng hồ, quần áo hàng hiệu.
Có những mặt hàng xa xỉ, sản xuất trên thế giới với số lượng hạn chế, nhưng người Việt sẵn sàng săn lùng để "rinh" về chỉ với mục đích thể hiện đẳng cấp, cho "thiên hạ lác mắt". Năm 2015, hãng Mercedes sản xuất trên toàn thế giới chỉ 50 chiếc Maybach S600 với giá gần 10 tỷ đồng/chiếc, giới "nhà giàu" Việt Nam đặt mua tới 10 chiếc.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2015, người Việt Nam đã chi khoảng 10 nghìn tỷ đồng để nhập khẩu hơn 1.900 chiếc xe sang, siêu sang. Việc hàng loạt hãng siêu xe trên thế giới như Lamborghini, Rolls Royce, Bentley,... mở đại lý phân phối tại Việt Nam cho thấy, họ đã nhìn thấy ở Việt Nam một thị trường khá "béo bở", trở thành "thiên đường" hàng xa xỉ.
Bên cạnh siêu xe, nhiều mặt hàng khác cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chắc hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết có người đã "bạo tay" chi từ hai đến ba tỷ đồng để mua một chiếc đồng hồ đeo tay Patek Philippe hoặc gần hai tỷ đồng để mua một chiếc túi xách Hermes,...
Nhiều người, dù là sinh viên hoặc mới đi làm, chưa có thu nhập hoặc thu nhập thấp, nhưng vẫn sẵn sàng "tậu" điện thoại iPhone giá hơn chục triệu đồng chỉ vì muốn được coi là thời thượng và sành điệu.
Thoạt nhìn hiện tượng "tiêu xài mạnh tay", nhiều người cho rằng, nên coi đó là dấu hiệu đáng mừng bởi chỉ khi kinh tế phát triển, sức mua của xã hội mới tăng lên. Còn ngẫm kỹ, với thực trạng kinh tế đất nước hiện nay, hành vi tiêu dùng này hoàn toàn trái ngược quy luật.
Yếu tố sĩ diện, phô trương và chuyện xài sang, chi bạo, xét cho cùng là quyền cá nhân của mỗi con người, nhưng rõ ràng nó cũng thể hiện những suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ.
Nước ta còn nghèo, năng suất lao động ngày càng bị tụt hậu, nhưng mức độ chi tiêu của không ít cá nhân lại luôn ở hàng "top" là câu chuyện rất lạ. So sánh năng suất lao động của Việt Nam, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Xin-ga-po có năm triệu dân, mỗi năm họ làm ra 100 tỷ USD, trong khi đó, Việt Nam có 90 triệu dân, cũng chỉ làm ra 100 tỷ USD.
Nền kinh tế nước ta vẫn cơ bản phụ thuộc vào vốn vay từ nước ngoài và các khoản viện trợ của các tổ chức quốc tế, mức thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân còn ở mức thấp, thì cái danh "tiêu xài mạnh tay" thật không có gì đáng tự hào.