Thống đốc NHNN: "Gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán"
Những con số đáng chú ý do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng công bố cho thấy, Việt Nam đang phát triển mạnh thanh toán không dùng tiền mặt với tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%, các hoạt động mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... đều có thể thực hiện online.
Chiều 17/6, phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt” nằm trong chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các phương án kết nối, khai thác thông tin công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân gắn chip phục vụ xác thực, làm sạch dữ liệu khách hàng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu: “Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...".
Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới (như thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam) với chi phí hợp lý.
Nói về mục tiêu cụ thể trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho hay: “Mục tiêu đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đặt ra 50-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng”.
Trả lời câu hỏi rào cản khó khăn nhất khi triển khai không tiền mặt ở Việt Nam, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam-Lào - cho biết: “Thách thức lớn nhất là nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp về chuyển đổi số, ứng dụng các chuyển đổi số trong hoạt động hàng ngày của mình".
Bà Dung nói, dù tăng trưởng chuyển đổi số vượt bậc nhưng vẫn có những quan ngại khi sử dụng phương thức không dùng tiền mặt về bảo mật, sử dụng thẻ không quản lý được chi tiêu… Do vậy, cần giúp cho người tiêu dùng có nhận thức tốt hơn, có lòng tin, nhìn thấy giá trị lâu dài, bền vững.
Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) - chia sẻ: “Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, NAPAS phối hợp với các ngân hàng thương mại phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Từ năm 2020, việc đẩy mạnh cấp thẻ tín dụng nội địa tạo điện kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng và tránh xa tín dụng đen. Điện thoại thông minh là chất xúc tác để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt như mở tài khoản ngân hàng, tài khoản Mobile Money”.
Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).