Kinh nghiệm quốc tế về cải cách chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán


Với vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán là thị trường có tốc độ thay đổi nhanh nhất và tác động lớn đến kinh tế-xã hội của các quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường chứng khoán phát triển cũng đặt ra không ít thách thức trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách quản lý thuế. Vì vậy, việc cải cách chính sách thuế là yêu cầu bắt buộc trước những áp lực từ sự thay đổi của thị trường này. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm cải cách chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán trên thế giới, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Mục tiêu của cải cách chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán

Thuế là công cụ quan trọng của Nhà nước nhằm động viên các nguồn thu từ xã hội vào ngân sách để đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu, đồng thời là công cụ điều tiết nền kinh tế hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Các quy định về thuế thay đổi theo từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau, tùy thuộc vào chính sách, quan điểm của nhà nước trong việc động viên nguồn thu vào ngân sách, cũng như điều tiết kinh tế vĩ mô.

Hệ thống chính sách thuế là tổng hợp các quan điểm chính thống của Nhà nước về các loại thuế trong một giai đoạn nhất định để sử dụng chức năng của thuế nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược chung của đất nước. Một chính sách thuế tốt cần đảm bảo các yêu cầu: tính hiệu quả, tính linh hoạt, tính minh bạch, tính công bằng.

Vấn đề về cải cách chính sách thuế luôn được quan tâm ở các nước, các khu vực trên thế giới. Việc cải cách thuế nhằm hướng đến nhiều mục tiêu, song thường được quan tâm chính ở các góc độ sau: (i) Phân phối lại thu nhập của cá nhân và tổ chức; (ii) Đảm bảo thu đúng và đủ; (iii) Thực hiện chức năng điều tiết thị trường.

Cùng với sự phát triển và lớn mạnh của thị trường tài chính, các giao dịch và sản phẩm trên thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng phát triển. Vấn đề đặt ra là với các loại thuế hiện hành như: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ở hầu hết các nước; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ thay đổi như thế nào để vừa hỗ trợ nhà đầu tư, các tổ chức, DN trên thị trường vừa có thể giúp Nhà nước thu được các khoản thuế, đồng thời thực hiện được chức năng điều tiết, định hướng thị trường.

Một vấn đề khác mà cải cách chính sách thuế thường được nhắc đến là việc tránh thu trùng thuế mà vẫn đảm bảo được tình trạng không gian lận thuế trên TTCK. Nguyên nhân là bởi việc mở cửa thị trường tài chính sau khi các nước gia nhập tổ chức tài chính quốc tế.

Các cam kết trong việc đánh trùng thuế phải được thực hiện sau một khoảng thời gian. Điều này đã dẫn tới tình trạng các loại thuế và chính sách thuế trong nước chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường tài chính; thậm chí việc trốn, tránh thuế diễn ra khá phổ biến. Một số nước và khu vực trên thế giới đã sửa đổi các sắc thuế để giảm thiểu tình trạng này.

Áp lực cải cách chính sách thuế

Với vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, TTCK là một trong những thị trường có tốc độ thay đổi nhanh nhất và tác động lớn nhất đến kinh tế - xã hội.

Sự thay đổi của các nhân tố liên quan trên thị trường cần được nhận diện và kiểm soát hiệu quả. Điều này gây áp lực cho Nhà nước cần cải cách các chính sách thuế cho phù hợp. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, sự phát triển của các công cụ mới trên TTCK. Không chỉ bao hàm các công cụ về nợ và vốn như trái phiếu, cổ phiếu; hoặc các hàng hóa phái sinh, các giao dịch về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản đã tác động đến TTCK khiến nó trở nên sôi động.

Các giao dịch này tạo ra thu nhập đáng kể cho các nhà đầu tư cá nhân cũng như các DN. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD, 2019), một nguyên tắc cần được quán triệt là khi có giá trị gia tăng thì cần phải nộp thuế.

Sự phát triển của các công cụ mới trên TTCK cùng các giao dịch bất thường đã tạo ra áp lực buộc các quốc gia như: Mỹ, khu vực châu Âu hay các nước OECD phải cải cách chính sách thuế (Welfens và các cộng sự, 2009; OECD, 2010).

Thứ hai, các nhà đầu tư có thể giao dịch xuyên biên giới. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính thực tế đã giúp các giao dịch xuyên biên giới diễn ra ngày càng mạnh mẽ về cả số lượng, cường độ cũng như tần suất.

Các hoạt động liên giao dịch trên TTCK tất yếu sẽ phát sinh ra các giao dịch “gia tăng” bởi đó là lý do chính thúc đẩy các giao dịch. Vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý thuế là làm thế nào để thu được thuế và tránh trùng thuế. Đây là vấn đề gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển khi bị giới hạn với điều kiện khoa học, kỹ thuật, trong khi hệ thống pháp luật chưa theo kịp diễn biến của thị trường.

Thứ ba, vấn đề điều tiết thị trường. Để đảm bảo phát triển TTCK, vấn đề điều chỉnh cơ cấu nhà đầu tư giữa nhà đầu tư cá nhân với nhà đầu tư tổ chức, giữa thị trường chính thức và thị trường phi chính thức, giữa cổ phiếu với trái phiếu hay với các công cụ khác phải được xem xét, đánh giá phù hợp. Thuế được xem là một công cụ điều tiết quan trọng.

Việc thay đổi mức thuế cho các đối tượng sẽ góp phần thực hiện xu hướng điều chỉnh thị trường theo quỹ đạo mà Nhà nước mong muốn. Theo quan điểm chung, để phát triển bền vững TTCK, việc tăng cơ cấu nhà đầu tư tổ chức, mở rộng thị trường chính thức là việc làm cần thiết, theo đó các sắc thuế sẽ hướng tới việc đánh thuế cao hơn khu vực tư nhân so với khu vực tổ chức, khu vực phi chính thức so với khu vực chính thức.

Cải cách chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán trên thế giới

Trên cơ sở nghiên cứu các áp lực trên TTCK, một số nước đã thực hiện cải cách chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán, cụ thể như sau:

Một là, cải cách các sắc thuế liên quan đến doanh thu hoặc lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp kinh doanh trên TTCK. Hoạt động này thường được áp dụng tại Mỹ, khu vực châu Âu và OECD - vốn là những nước có thị trường tài chính rất mạnh, các giao dịch về tiền điện tử được các DN lớn chấp nhận.

Chính vì vậy, các nước này đã sửa đổi chính sách thuế liên quan đến TNDN. Ngoài các khoản thuế phải nộp do lợi nhuận từ đầu tư, các doanh nghiệp sẽ nộp thêm các khoản mục liên quan đến chênh lệch giá cho thị trường (thường chiếm khoảng 20-30% tùy từng nước).

Hai là, cải cách thuế đối với nhà đầu tư cá nhân. Hoạt động này được áp dụng tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), các nước thuộc OECD và một số nước có nền kinh tế mới nổi khác. Khi cổ phiếu được giao dịch trên thị trường và được mua đi bán lại, nhà đầu tư sẽ phải nộp từ 20%-40% chênh lệch giá. Hoạt động này được trừ thẳng vào tài khoản của nhà đầu tư hoặc thông qua ngân hàng đầu tư hay công ty chứng khoán.

Thu thuế đối với cổ tức tại các nước thành viên EU và các nước OECD áp dụng mức thuế thấp hơn (khoảng từ 5%-10%). Như vậy, có thể thấy, việc giao dịch liên quan đến các chứng khoán thông thường đang được đánh với mức thuế khác nhau.

Sau đó, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục nộp phần thuế thu nhập cá nhân khác. Điều này đã gây ra những phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư về việc đánh thuế 2 lần cho 1 khoản thu nhập cá nhân.

Ba là, cải cách chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán để không đánh trùng thuế đối với các nhà đầu tư trên TTCK.

Các nước có chính sách tránh đánh trùng thuế thường tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), hoặc khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) cũng đã áp dụng quy tắc này.

Các nước hoặc các khu vực trên thế giới đều đưa ra các quan điểm liên quan đến vấn đề: không đánh trùng thuế đối với các nhà đầu tư từ các nước khác nhau khi tham gia trên TTCK. Một số nước cho phép các nhà đầu tư chỉ cần nộp thuế đối với cổ tức là 5%, miễn thuế TNCN cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư tư nhân (OECD, 2019).

Hàm ý chính sách cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là trong giai đoạn 2011-2020, vốn hóa TTCK Việt Nam đã tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50%/năm. Đến hết năm 2020, tổng giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam đạt 6,68 triệu tỷ đồng, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã tăng từ mức 0,3% GDP năm 2000 lên mức 110,64% GDP năm 2020.

Các hàng hóa giao dịch trên thị trường đa dạng, phù hợp với điều kiện của thị trường trong nước và xu hướng phát triển của thị trường thế giới, bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh. Các phương thức giao dịch đa dạng, các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước.

Song hành với sự phát triển của TTCK, hệ thống các chính sách thuế cũng ngày càng hoàn thiện. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành từ Luật, Nghị định, Thông tư đến các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về TTCK là cơ sở cho việc thực thi chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán.

Về cơ bản, chính sách thuế đã và đang áp dụng trên TTCK Việt Nam là phù hợp với các nguyên tắc chung liên quan đến bản chất của hoạt động tài chính, cũng như các yêu cầu đặt ra đối với hệ thống thuế. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vấn đề đặt ra, tập trung vào các quy định liên quan đến phần thu nhập từ hoạt động kinh doanh cổ phiếu.

Theo quy định hiện hành, cách tính thuế chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra hoặc 20% trên lợi nhuận. Thực tế, hầu hết nhà đầu tư chọn cách tính thuế 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra bởi khó khăn trong việc xác định giá mua, giá bán và các chi phí hợp lý liên quan. Do vậy, dẫn đến các nhà đầu tư khi bị thua lỗ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Bên cạnh đó, quy định đánh thuế 5% đối với cổ tức được nhận của các nhà đầu tư làm tăng mức thuế phải nộp, trong khi đó, trước khi chia cổ tức, các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện đóng thuế TNDN.

Qua nghiên cứu xu hướng cải cách chính sách thuế của một số quốc gia, thực tế tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, xem xét kinh nghiệm các nước trong mở rộng cơ sở thuế đối với các khoản mục liên quan đến chênh lệch giá thị trường, bên cạnh phần thuế TNDN thông thường của các DN niêm yết. Đồng thời, xem xét tác động đến các DN khi việc này có thể dẫn đến cách nhìn nhận về việc doanh nghiệp niêm yết chịu nhiều thuế hơn so với các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Thứ hai, thực hiện chính sách thuế phù hợp với nhà đầu tư cá nhân. Để đảm bảo mức thuế được thực hiện trên cơ sở lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư chứng khoán, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tài chính giúp lưu giữ, xác định chính xác các mức giá trong giao dịch chứng khoán nhằm tạo cơ sở cho việc tính toán lợi nhuận của nhà đầu tư.

Thứ ba, xây dựng hệ thống thuế phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Hội nhập tài chính của Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ, hiện nay trên TTCK Việt Nam có nhiều nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Đồng thời, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hiệp định thuế với các nước. Hệ thống thuế liên thông đảm bảo khả năng kết nối với thế giới cũng như đảm bảo thực hiện các cam kết trong các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia.

Tài liệu tham khảo:

1. Tạ Thanh Bình (2016), Hoàn thiện chính sách thuế cho thị trường chứng khoán Việt Nam, Đề tài nghiên cứu cấp ủy ban, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước;

2. Hiroki Takeuchi (2014), Tax Reform in Rural China, Revenue, Resistance, and Authoritarian Rule, Southern Methodist University;

3. Iris Claus, Norman Gemmell, Michelle Harding and David White (2016), Tax Reform in Open Economies - International and Country Perspectives, Edward Elgar Publishing Limited, UK;

4. OECD (2010), Tax policies reform and economic development, OECD Publishing;

5. (OECD (2019), Economic Survey, organisation for economic co - operation and development, OECD Publishing;

6. Peter Meiz, Eleonor Kristoffersson, Value added tax and direct taxation, similarities and differences, IBFD;

7. Welfens P. J. J, Meyer B., Pfaffenberger W., Jasinski P., Jungmitta A. (2009), Energy Policies in the European Union, Springer.

(*) ThS. Phạm Tiến Đạt - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính).

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2021.