Thu nhập của môi giới bất động sản lao dốc
Sàn địa ốc nhỏ lẻ cắt 60-70% nhân sự, công ty lớn thu hẹp 40% lực lượng, thu nhập giảm 40-50% so với năm ngoái.
Giám đốc một sàn địa ốc quy mô trên dưới 50 nhân viên tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh tiết lộ, kể từ quý III/2019 đến nay, công ty chỉ có 5-7 nhân viên môi giới có giao dịch thành công. Hơn 60% nhân viên 4 tháng nay không có giao dịch, đồng nghĩa với việc họ chỉ có mức lương cứng eo hẹp để cầm cự.
Trong khi đó, giám đốc marketing của một công ty địa ốc quy mô 30 nhân viên có văn phòng đặt tại khu Đông TP. Hồ Chí Minh cho hay, với số lượng môi giới quá lớn đang hoạt động trên địa bàn, thu nhập của nghề này đang teo tóp dần vì không có hàng để bán.
Ông lấy ví dụ, một dự án có rổ hàng lớn nhất thị trường trong quý vừa qua bung hàng tại khu Đông TP. Hồ Chí Minh có 10.000 sản phẩm chào bán nhưng số lượng môi giới tham gia bán dự án này lên đến con số 15.000 người. Phí môi giới các sàn nhận được cho mỗi sản phẩm chỉ đạt 1,5%. Mỗi nhân viên sale bán chưa đến một căn trong 3 tháng. Trong khi đó, một công ty bất động sản có trụ sở tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh chào bán căn hộ tại Vũng Tàu tung ra 2.000 sản phẩm song nếu chia tỷ lệ sale tham gia bán dự án này thì 5 nhân viên môi giới mới có một sản phẩm để bán.
Diễn biến thị trường đất nền vùng ven ở khu Tây ảm đảm và thưa thớt, nhiều công ty môi giới cũng đồng loạt cắt giảm 50-70% nhân sự. Đất nền vùng ven tại các tỉnh giáp với phía Đông TP. Hồ Chí Minh bán hàng được trong 5 tháng đầu năm nhưng sản phẩm không nhiều. Tuy nhiên trong 4-5 tháng nay thu nhập không vượt qua được điểm hoà vốn.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á, ông Nguyễn Lộc Hạnh cho biết, trong vòng 5-6 tháng qua, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp ngành địa ốc.
Đối với các đơn vị môi giới, chỉ có 5-7% doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường phía Nam có quy trình hệ thống bài bản, có khả năng đứng vững khi thị trường trầm lắng. Phần lớn các doanh nghiệp còn lại quy mô nhỏ lẻ, thiếu nền tảng để trụ lâu khi thị trường khó khăn. Các công ty tầm trung này khó tránh khỏi kịch bản sớm nở tối tàn do cấu trúc doanh nghiệp không vững chắc và nhân sự cũng sụt giảm mạnh 60-70%. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn hơn cũng chịu sức ép cắt giảm nhân lực khoảng trên dưới 40%.
Ông Hạnh phân tích, các công ty môi giới lớn nuôi hệ thống bằng doanh thu đầu tư. Còn doanh thu môi giới trong vài quý gần đây gần như lỗ. Tính đến thời điểm tháng 11/2019, cá nhân môi giới bị giảm 40-50% thu nhập so với năm ngoái. Ngoại lệ vài công ty chủ đầu tư có đội sale và có sản phẩm gây đột biến nhưng số lượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần còn lại của thị trường gặp khó khăn về doanh số và lợi nhuận, khiến thu nhập lao dốc. Gần như thị trường chỉ giao dịch đến hết tháng 5/2019 là đứng hẳn, rất nhiều môi giới phải lâm cảnh "ngồi chơi xơi nước".
Nguyên nhân môi giới bất động sản đứng trước một năm đầy thách thức thu hẹp quy mô, sụt giảm doanh số và lợi nhuận vì thị trường sôi động nhất là TP HCM không có nhiều sản phẩm bung hàng. Các dự án vướng pháp lý không ra hàng kịp hoặc nếu có sản phẩm nhỏ giọt. Tỷ lệ chọi 30 nhân viên sale trên một sản phẩm đang khiến cho doanh số và thu nhập của môi giới ảm đạm nhất trong 4 năm qua.
Theo khảo sát của Hội cà phê bất động sản Sài Gòn, các công ty môi giới vừa và nhỏ quy mô 15-40 nhân sự trở xuống có sự biến động liên tục do không có hàng để bán hoặc bán hàng chậm, không có doanh thu. Hiện nay các công ty môi giới địa ốc ở khu Tây và Tây Bắc TP HCM giảm quy mô 50-60%. Nguyên nhân của việc cắt giảm nhân sự và giảm quy mô nhằm tránh phát sinh thêm chi phí trong bối cảnh diễn biến thị trường không khả quan và doanh số lao dốc so với giai đoạn 2016-2018.