Thu nợ chiết khấu - Phương pháp đẩy nhanh thu hồi nợ, giảm chi phí
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hiện đang nghiên cứu, từng bước đưa phương pháp “Thu nợ chiết khấu” vào hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam.
Thu nợ chiết khấu là hình thức giảm trừ vào giá bán trong trường hợp mua/bán với một số lượng cụ thể, mang lại lợi ích trong việc đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ, giảm chi phí trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi…
Đây cũng là phương pháp mà chủ nợ khuyến khích khách nợ trả nợ trước thời hạn đã thỏa thuận thông qua việc giảm trừ giá trị khoản nợ có áp dụng biện pháp dòng tiền chiết khấu nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa rủi ro cho chủ nợ trong quá trình thu hồi nợ.
Phương pháp áp dụng đối với các đối tượng khách nợ có khả năng thanh toán sớm khoản nợ trong vòng 06 tháng kể từ khi 02 bên ký kết hợp đồng hoặc đối với các khách nợ có khả năng tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh để có nguồn trả nợ trong trung, dài hạn.
Áp dụng hình thức xử lý nợ bằng phương pháp “Thu nợ có chiết khấu” mang lại những lợi ích to lớn cho các bên tham gia, đối với khách nợ là giảm nghĩa vụ trả nợ, có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đối với chủ nợ là thu hồi dòng tiền chắc chắn, tiết kiệm chi phí thu hồi, xử lý nợ so với những hình thức xử lý nợ khác.
Trong hoạt động của DATC hiện nay, việc áp dụng phương pháp “Thu nợ chiết khấu” về bản chất là giảm trừ giá trị khoản nợ, xóa nợ phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 135/2015/TT-BTC về điều lệ hoạt động.
Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư số 135/2015/TT-BTC, DATC chỉ được giảm nợ, xóa nợ theo khung nhất định mà chưa thể chủ động quyết định phương án giảm nợ, xóa nợ trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả phương án xử lý nợ, bảo toàn vốn Nhà nước.
Điều này làm giảm sự cạnh tranh của các công ty xử lý nợ nói chung và DATC nói riêng với các tổ chức xử lý nợ tư nhân, khi mà các tổ chức xử lý nợ tư nhân hoàn toàn có thể chủ động áp dụng phương pháp này mà không bị điều chỉnh pháp luật do hoàn toàn chủ động về cơ chế hoạt động và nguồn lực tài chính.
Thực tế hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam thời gian qua cho thấy các tổ chức xử lý nợ do Chính phủ thành lập như DATC vẫn giữ vai trò dẫn dắt, tạo lập thị trường mua bán nợ do nguồn lực nội tại của các tổ chức xử lý nợ trên thị trường còn tương đối hạn chế, đặc biệt là các tổ chức xử lý nợ tư nhân mới thành lập còn thiếu kinh nghiệm, nguồn nhân lực, tài chính để tham gia xử lý nợ.
Chính vì vậy, việc bổ sung các chức năng, cơ chế hoạt động cho tổ chức xử lý nợ do Chính phủ thành lập như DATC là cần thiết để từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam.
Có thể nói, trong bối xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế đất nước, thì tiến trình và kết quả tái cơ cấu luôn nhận được sự quan tâm cao của dư luận. Khi nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều thách thức, những bất cập trong hoạt động của khối doanh nghiệp, trong đó, gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang lộ rõ.
Hậu quả của thời gian dài chạy theo tăng trưởng nóng, sử dụng quá nhiều vốn vay, trong khi các dự án đầu tư không hiệu quả; công tác quản lý yếu kém; sản phẩm ứ đọng, không có đầu ra... là nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.
Giải bài toán xử lý nợ đọng, DATC hiện đang nghiên cứu, từng bước đưa phương pháp “Thu nợ chiết khấu” vào hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam.