DATC tiếp cận mô hình xử lý nợ hiện đại
Tiếp cận mô hình xử lý nợ hiện đại của các nước trên thế giới là một trong những nhiệm vụ được Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tiến hành từ nhiều năm qua. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại trong mua bán, xử lý nợ, DATC đang nghiên cứu các phương thức đấu giá, mua bán nợ theo lô, đây là một phương thức mới tại thị trường Việt Nam.
Số hóa và hệ thống đấu giá trực tuyến các khoản nợ
Hiện nay, việc thực hiện các sàn giao dịch trực tuyến không còn xa lạ, các nước trong khu vực đã áp dụng phương thức này cho bán đấu giá nợ và tài sản từ khá lâu. Nếu đem so sánh lợi ích của đấu giá trực tuyến các khoản nợ với việc đấu giá theo hình thức truyền thống, có thể nhận thấy hiệu quả đem lại cao hơn về mọi mặt: Tăng số lượng đối tượng tiếp cận đã giao dịch, tăng tính minh bạch, giảm thiểu chi phí cũng như thời gian thực hiện giao dịch…
Từ năm 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho 173 doanh nghiệp với giá trị vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ thành vốn góp khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong 173 doanh nghiệp tái cơ cấu, DATC đã kết hợp xử lý nợ gắn tái cơ cấu tài chính với quản trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu cho 78 doanh nghiệp nhà nước.
Trước đây, thông qua các chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc, DATC đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hệ thống bán đấu giá tài sản trực tuyến (Hệ thống ONBID). Theo đánh giá của DATC, đây là mô hình hiệu quả và phù hợp để áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cuối tháng 9 vừa qua, Hội nghị Diễn đàn các Công ty xử lý nợ công quốc tế (IPAF) lần thứ 5 diễn ra tại Hàn Quốc với chủ đề “Hợp tác tài chính khu vực nhằm tăng cường phát triển và ổn định tài chính - Khai thác IPAF để thúc đẩy thị trường mua bán nợ châu Á”. DATC cùng các thành viên là các Công ty mua bán nợ (AMC) công trong khu vực đã bàn thảo chương trình số hóa khoản nợ để tiến tới phương thức đấu giá trực tuyến trong thị trường mua bán, xử lý nợ.
Năm 2015, tại Trung Quốc, Tập đoàn Alibaba đã thực hiện nghiên cứu bán đấu giá trực tuyến các khoản nợ cho các AMC trên thị trường thông qua hệ thống trực tuyến Taobao. Tháng 7/2018, sau khi đưa vào áp dụng một thời gian, số lượng khoản nợ được đem bán đấu giá có chiều hướng gia tăng đột biến, trong đó số lượng bán đấu giá thành công cũng tăng gấp nhiều lần so với trước đó.
Năm 2017, Ủy ban châu Âu đưa ra kế hoạch cụ thể trong xử lý nợ xấu thông qua các sàn giao dịch nợ trực tuyến. Thực hiện kế hoạch này, một số sàn giao dịch nợ trực tuyến nổi tiếng tại châu Âu hiện đang phát triển mạnh mẽ có thể kể đến như: PNCB (Bồ Đào Nha), SAREB (Tây Ban Nha), PROJECT SOLAR (Hy Lạp), DEBITOS (Đức)… với nhiều kinh nghiệm hay để học hỏi.
Đấu giá, mua bán nợ theo lô
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại trong mua bán xử lý nợ, DATC cũng đang nghiên cứu các phương thức đấu giá, mua bán nợ theo lô, một phương thức không còn xa lạ đối với các nước trong khu vực nhưng chưa được áp dụng nhiều tại thị trường Việt Nam.
Tại Việt Nam, hiện nay, hoạt động mua bán, xử lý nợ giữa các tổ chức tín dụng và các tổ chức xử lý nợ mới chỉ dừng ở việc mua bán, xử lý nợ theo từng khoản nợ, từ đó làm tốc độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng diễn ra chậm.
Tại Thông tư số 09/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua bán nợ của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ điều chỉnh việc các tổ chức tín dụng được bán một hoặc một phần khoản nợ xấu cho tổ chức xử lý nợ mà không có quy định điều chỉnh hoạt động mua bán nợ theo lô. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi đưa ra quyết định bán nợ theo từng lô lớn.
Hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là trường hợp duy nhất được phát hành trái phiếu đặc biệt để mua lô nợ của của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên đây thực chất không phải là hoạt động mua bán nợ theo lô theo cơ chế thị trường được áp dụng tại các thị trường mua bán , xử lý nợ phát triển như Tây Ban Nha, Ai Len, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Thực trạng hoạt động mua bán, xử lý nợ thời gian qua tại Việt Nam cho thấy, mô hình xử lý nợ vẫn còn tương đối giản đơn. Sự tham gia của các tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu như tổ chức tư vấn, soát xét tài chính, tổ chức định giá khoản nợ, lô nợ… còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn lực nội tại của các tổ chức xử lý nợ xấu trên thị trường còn chưa đủ để đáp ứng cho hoạt động xử lý nợ. Chính những nguyên nhân này đã ảnh hưởng khá lớn đến tốc độ xử lý nợ trong nền kinh tế.
Tại châu Âu, năm 2017 tổng giá trị giao dịch các lô nợ đạt 43 tỷ Euro (tương đương 1,2 triệu tỷ đồng). Có thể thấy, mô hình mua bán nợ theo lô tại châu Âu và một số các quốc gia phát triển tại châu Á là rất hữu ích để Việt Nam có thể tham khảo, từng bước đưa vào áp dụng, qua đó làm tăng tốc độ xử lý nợ trong nền kinh tế. Để thực hiện được mô hình này, cần thiết bổ sung, hoàn chỉnh các quy định liên quan đến xử lý nợ, đặc biệt là cơ chế đấu giá, tổ chức đấu giá lô nợ.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặt nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu, tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Khi thị trường mua bán nợ cạnh tranh hơn, DATC đã điều chỉnh chiến lược hoạt động của mình. Theo đó, Công ty không chỉ dừng lại ở việc xử lý nợ cho các doanh nghiệp nhà nước mà còn xử lý nợ xấu cho cả các doanh nghiệp khác.
Đáng chú ý, ngoài chức năng mua bán nợ, DATC còn mở rộng các ngành nghề như: Quản lý khai thác tài sản, hoạt động tư vấn, hoạt động phối hợp trong thu nợ… Từ năm 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho 173 doanh nghiệp với giá trị vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ thành vốn góp khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong 173 doanh nghiệp tái cơ cấu, DATC đã kết hợp xử lý nợ gắn tái cơ cấu tài chính với quản trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu cho 78 doanh nghiệp nhà nước; Số doanh nghiệp còn lại được DATC tái cơ cấu tài chính thông qua xử lý nợ, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tài chính, tiết giảm chi phí, từng bước phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động và có đóng góp cho ngân sách…