Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 7 giải pháp phát triển logistics
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công thương xây dựng chiến lược, đề án phát triển quốc gia thương mại tự do theo như các đại biểu góp ý tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024.
Sáng 02/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức tại Hồ Tràm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp tổ chức tốt hội nghị; các báo cáo, tham luận, các giải pháp trình bày rõ ràng, mang tính khả thi cao, thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong ngành Logistics.
Những điểm nghẽn của ngành Logistics
Thủ tướng Chính phủ nhận định nhận thức của chúng ta về logistics ngày càng cao hơn, vai trò, vị trí của logistics trong phát triển nền kinh tế quốc dân ngày càng được coi trọng. Về thể chế, chúng ta cũng đã làm được một số việc để phát triển ngành logistics, hạ tầng logistics phát triển rất nhanh.
Những năm qua, Việt Nam đã đầu tư, nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng giao thông gồm đường bộ, đường không, thủy nội địa, đường sắt. Đặc biệt là có những đột phá về đường cao tốc, đường ven biển nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế…. Hạ tầng giao thông đa phương thức những năm qua được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Logistics tại Việt Nam.Logistics phát triển có xu hướng tích cực hơn, đa dạng phương thức vận tải, giảm dần vào vận tải bằng đường bộ. Tốc độ phát triển của ngành Logistics Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới. Nguồn nhân lực, con người của ngành Logistics những năm qua phát triển, chất lượng nâng lên. Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam xếp thứ 43/139 quốc gia.
Tuy nhiên, việc phát triển của ngành Logistics còn những điểm nghẽn, đó là nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành, vị trí của đất nước trong trung chuyển hàng hóa còn hạn chế, chi phí logistic còn cao khiến cho sức cạnh tranh của hàng hóa thấp.
Quy mô của ngành Logistics so với quy mô của nền kinh tế, so với yêu cầu phát triển logistics của thế giới còn thấp. Nhân lực quản lý Nhà nước về logistics còn thiếu và yếu, cả về số lượng và chất lượng; doanh nghiệp logistics phát triển chưa mạnh, chưa có cơ chế để phát triển. Mối liên kết giữa các phương thức vận tải và kho bãi trong nội địa, cảng cạn còn hạn chế về quy mô và cả chất lượng. Hạ tầng logistics còn chưa đáp ứng dẫn đến chi phí cao.
Xây dựng quốc gia thương mại tự do
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sắp tới quy mô thương mại của thế giới ngày càng phát triển, chúng ta không thể không hội nhập được. “Chúng ta phải sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Mục tiêu của ngành Logistics thời gian tới là giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15% trong năm 2025, nâng quy mô của logistics trong GDP của cả nước từ 10% đến 15%, phấn đấu 20%. Nâng quy mô logistics của Việt Nam trong tổng quy mô của thế giới từ 0,4% thành 0,5%, phấn đấu 0,6%. Gia tăng tốc độ tăng trưởng của ngành Logistics từ 14% đến 15%, tăng lên 20%.
Để thực hiện 3 mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị thực hiện 7 giải pháp.
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành Logistics trong quá trình phát triển kinh tế của Đất nước.
Thứ hai, tạo đột phá về thể chế, hoàn thiện thể chế để phát triển ngành Logistics đạt các mục tiêu như trên để góp phần đạt mục tiêu đất nước tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Thể chế phải thông thoáng để giảm chi phí, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, xây dựng hạ tầng logitics thông suốt, giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, phát triển mạnh ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao.
Thứ tư, xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Thứ năm, đẩy mạnh ngoại giao logistics nhưng đồng thời cũng phải hiện đại hóa logistic nội địa.
Thứ sáu, xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do.
Thứ bảy, kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông vận tải với nhau, kết nối với các khu thương mại tự do của thế giới. Kết nối hệ thống giao thông với hệ thống giao thông quốc tế.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải xây dựng chiến lược, đề án phát triển quốc gia thương mại tự do theo mô hình Singapore; Xây dựng khu thương mại tự do ở biên giới.
“Vừa qua chúng ta đã thống nhất với các nước là Lào, Campuchia, Trung Quốc. Chúng ta phải có các khu thương mại tự do ngay biên giới để mở cửa. Quốc gia thương mại tự do thì trước hết visa, việc làm, kết nối quốc tế phải tự do. Tự do nhưng phải quản lý được và trên hết là bảo vệ được độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ….”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần phải tăng tính tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động.