Thua lỗ chỉ là một mối lo

Theo Thy Nhã/Báo Thời Nay

Mới đây, một tên tuổi trong mảng tài chính tiêu dùng là FE Credit đã công bố lỗ 300 tỷ đồng trong quý III/2021. Thực tế việc này không có gì bất ngờ vì ai cũng có thể nắm được nguyên nhân là do tác động của việc giãn cách xã hội trong thời gian dài. Đầu tư, kinh doanh tất nhiên chẳng ai muốn thua lỗ, nhưng trong thực tế, thua lỗ chỉ là một trong những mối lo mà các công ty tài chính tiêu dùng phải đối mặt trong thời gian sắp tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Có một thực tế là các công ty tài chính trong những năm gần đây đã tăng cường “chuyển đổi số” trong hoạt động của mình, nghĩa là tăng cường công nghệ trong hoạt động quản lý, đồng thời đẩy mạnh các kênh “online” (trực tuyến) trong việc tiếp cận khách hàng.

Tuy nhiên, thách thức lại nằm ở chỗ, với những tên tuổi mới tham gia thị trường hoặc có quy mô trung bình như EasyCredit, ATM online… việc tăng cường các hoạt động số là xu hướng tất yếu và tương đối thuận lợi khi thực hiện. Nhưng với những tên tuổi lớn như FE Credit, HD SAISON, Home Credit thì việc này sẽ phải đối diện với những thách thức cả chủ quan lẫn khách quan. 

Trước nhất, cần biết rằng bộ ba tên tuổi này có thương hiệu phủ rất rộng trên thị trường thông qua các hệ thống bán lẻ truyền thống như cửa hàng xe máy, điện tử… Việc chuyển đổi đột ngột sang trực tuyến trong thời gian ngắn dẫn đến những rủi ro trong việc nhận diện thương hiệu, chưa kể những vấn đề khác trong công tác điều hành, xử lý nhân lực. Nhưng thách thức cũng nằm ở việc nếu vẫn duy trì các kênh truyền thống thì rủi ro từ dịch bệnh, giãn cách cũng có thể ngốn rất nhiều nguồn lực. Muốn xử lý các mối lo này, dường như các công ty tài chính phải đưa ra những quyết sách với tầm nhìn dài. 

Nói đơn cử như trường hợp của HD SAISON, từ ba năm trước cũng đã chủ động rút dần các nhân viên “cơ hữu” của mình ngay tại hệ thống Thế giới di động. Điều này đã giúp HD SAISON tránh việc bị động khi đơn vị bán lẻ này đã quyết định “tự phục vụ” cho khách có nhu cầu vay tiêu dùng hồi giữa năm 2020. Vấn đề cần bàn ở đây là những chiến lược dù có tầm nhìn dài hạn và thể hiện đúng đắn, nhưng chắc chắn vẫn gặp những áp lực ngắn hạn từ thị trường, công chúng, cổ đông…  

Một lãnh đạo của EasyCredit cho biết, chiến lược của các công ty tài chính sẽ phải nắm bắt xu hướng liên quan đến tiêu dùng, một mặt để tận dụng độ lớn của thị trường, mặt khác cũng sẽ hiểu được thói quen của khách hàng. Vấn đề của các công ty tài chính lúc này là phải có chiến lược xuyên suốt dài hạn, nhưng khi cần vẫn có thể thay đổi những mục tiêu, cách làm trong ngắn hạn để uyển chuyển, thích nghi với thị trường.

Như vậy, thua lỗ có thể xem như một quãng lặng và nguyên nhân mang tính khách quan, còn các công ty tài chính sẽ phải giải quyết nhiều mối lo liên quan đến chiến lược, hoạt động, vận hành để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.