Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF):
Thúc đẩy các giải pháp “thuận thiên” ở Việt Nam
Trong công tác phục hồi khả năng tự nhiên của các vùng đất ngập nước, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã triển khai giải pháp “thuận thiên” giúp tăng cường sinh kế bền vững và đa dạng sinh học trong bối cảnh tình hình hạn hán và lũ lụt ở thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở nên khó lường.
Nằm ở thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long, Vườn Quốc gia Tràm Chim hiện tại là một trong những phần còn lại cuối cùng của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Trong thập kỷ qua, WWF-Việt Nam đã cùng hợp tác với nhiều đơn vị cải thiện công tác bảo tồn vùng đất ngập nước thông qua nhiều hoạt động, bao gồm khôi phục chất lượng của đất, loại bỏ các loài xâm lấn và phục hồi cơ chế thuỷ văn tự nhiên.
Những nỗ lực này góp phần hỗ trợ Tràm Chim tiếp tục là nơi cư ngụ của 130 loài cá và 256 loài chim, trong đó có loài sếu đầu đỏ đang bên bờ tuyệt chủng, đồng thời giúp nâng cao sinh kế cho khoảng 50.000 cư dân đang sinh sống trong và quanh Vườn thông qua các hoạt động du lịch sinh thái.
Tận dụng chức năng dịch vụ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước để quản lý lũ lụt và hạn hán, thay vì thiết lập hệ thống đê cao nhân tạo, một giải pháp thích ứng với thiên nhiên (“thuận thiên”) ra đời. Các giải pháp “thuận thiên” không những có chi phí bảo trì thấp hơn so với các công trình xây dựng nhân tạo, mà còn mang lại nhiều lợi ích như tạo thêm nguồn nước, phòng lũ lụt, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo cảnh quan cho du lịch cũng như cung cấp thực phẩm và các nguyên vật liệu khác.
Nằm trong lộ trình dài hạn nhằm giải quyết các thách thức về nước thông qua các giải pháp “thuận thiên” tại Việt Nam, trong năm 2022, WWF-Việt Nam và Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ thu hút sự tham gia của 1.000 người dân và thanh thiếu niên từ bốn xã, nâng cao nhận thức của họ và hỗ trợ các hoạt động về bảo tồn nước và bảo vệ môi trường, bao gồm làm sạch nước sông và kênh rạch, áp dụng các phương pháp nông nghiệp sử dụng tiết kiệm nước và ít hóa chất hơn.
Các nghiên cứu sâu và quá trình tham vấn với các bên liên quan trong năm đầu tiên sẽ đưa ra các phân tích về mô hình hợp tác tài chính công-tư cho các giải pháp "thuận thiên", khôi phục và xây dựng các vùng đất ngập nước đa chức năng, cũng như đưa ra bằng chứng về tính khả thi của các giải pháp “thuận thiên”.
Bà Trần Thị Hải - Giám đốc Chương trình Phát triển Bền vững của tổ chức WWF-Việt Nam, cho biết: "WWF-Việt Nam có tầm nhìn và chiến lược dài hạn cho Vườn Quốc gia Tràm Chim và tỉnh Đồng Tháp. Chúng tôi mong muốn các chức năng dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước của Đồng Tháp Mười được phục hồi và tích hợp trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Các chiến lược để phục hồi các vùng đất ngập nước này có tính ứng dụng đối với vùng thượng lưu của đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cho các cộng đồng đang cần giải pháp để giảm thiểu tác động của lũ lụt và tạo sinh kế bền vững".