Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét giảm thuế môi trường ngay trong phiên họp thứ 9
Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, dự kiến ngày 23/3, tiếp tục đợt 2 - phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày nội dung này để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - Nguyễn Phú Cường sẽ trình bày báo cáo thẩm tra. Tiếp đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận và xem xét nội dung này.
Tại tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Thời gian áp dụng theo đề xuất của Bộ Tài chính là từ ngày 1/4 đến ngày 31/12.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương nhận thấy tình hình giá xăng dầu trong nước đang diễn biến căng thẳng do tác động từ những biến động giá thế giới. Do đó, nhằm xử lý tình huống, liên bộ Công Thương - Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giảm thuế bảo vệ môi trường.
Tham gia giải trình làm rõ thêm về vấn đề này, đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, nước ta phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá dầu thô tăng thì giá cơ sở xăng dầu trong nước cũng tăng, gây thiệt hại nền kinh tế cũng như ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh. Việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là nhanh nhất, góp phần sớm giảm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay, sản lượng xăng dầu trong nước chỉ chiếm 50%, còn 50% là nhập khẩu. Do đó, mặt hàng này phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài nên giá dầu thô thế giới tăng thì giá cơ sở tăng lên. Tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu hiện chiếm 33,5%, do đó phương án giảm thuế cũng chỉ là một giải pháp trong bình ổn giá mặt hàng này.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ và Quốc hội một số giải pháp, trước mắt là đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu xăng dầu, giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, sẽ đề xuất những giải pháp linh hoạt để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu, ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục biến động tăng, giảm khó lường.