Thúc đẩy các hoạt động xây dựng bền vững, thân thiện với môi trường


Pháp luật về công trình xanh trên khắp thế giới được thiết kế để thúc đẩy các hoạt động xây dựng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và nâng cao sức khỏe cũng như hạnh phúc của người cư ngụ. Các luật và quy định này có thể khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, phản ánh mối quan tâm về môi trường, điều kiện kinh tế và các ưu tiên xã hội của địa phương.

Nguồn: inhousecommunity.com
Nguồn: inhousecommunity.com

Mỹ: các bang áp dụng quy định khác nhau

Ở xứ sở cờ hoa, luật về công trình xanh được phân quyền nhiều hơn, với sự khác biệt đáng kể giữa các bang và thành phố. Các sáng kiến liên bang như Luật Chính sách năng lượng và hệ thống chứng nhận lãnh đạo trong thiết kế năng lượng và môi trường (LEED), do Hội đồng Công trình xanh phát triển, đóng vai trò quan trọng. Các bang như California đã đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà thông qua Mục 24, Bộ luật Tiêu chuẩn xây dựng California. Hay tại Seattle, bang Washington, Bộ luật Năng lượng của thành phố yêu cầu các tòa nhà phải đáp ứng các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng. Đồng thời Seattle cũng đưa ra các ưu đãi cho các dự án công trình xanh thông qua các chương trình như Nhân tố xanh hay Thí điểm tòa nhà sống (Living Building Pilot) - đây là tiêu chuẩn cực nghiêm ngặt nhằm cố gắng đạt được năng lượng thuần bằng không, không có hóa chất độc hại và giảm mức tiêu hao năng lượng xuống dưới nhiều lần so với cấu trúc thương mại thông thường. Ngoài ra, Khu Seattle 2030 đặt mục tiêu giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng và nước trong các tòa nhà ở trung tâm thành phố…

Australia: tiêu chuẩn "Ngôi sao xanh"

Bộ luật Xây dựng bao gồm các yêu cầu nghiêm ngặt về hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, Hội đồng công trình xanh Australia quản lý hệ thống xếp hạng Ngôi sao Xanh (Green Star), hệ thống đánh giá tính bền vững của các tòa nhà và cộng đồng ở nhiều hạng mục khác nhau. Mới đây, tiêu chuẩn này đã được nâng cấp đáng kể để bảo đảm các công trình "xanh từ gốc" bao gồm: yêu cầu tối thiểu hóa lượng khí thải nhà kính phát ra đối với các công trình được chứng nhận 5 và 6 sao từ Green Star; có các biện pháp để thiết lập công suất công nghiệp trong việc kiểm tra độ kín khí; nhiều vật liệu mới được khuyến khích sử dụng như loại gỗ có kết cấu bền vững; đặt ra yêu cầu mới trong việc nâng cao sức khỏe và phúc lợi cho công nhân xây dựng.

UAE: tăng hiệu quả sử dụng nước và năng lượng

Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã đưa ra nhiều số quy tắc và quy định xây dựng xanh, đặc biệt là ở Dubai và Abu Dhabi. Chương trình Estidama của Abu Dhabi hay Quy định và thông số kỹ thuật công trình xanh của Dubai là những ví dụ đáng chú ý. Những sáng kiến này tập trung vào việc giảm tiêu thụ nước và năng lượng, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xây dựng bền vững.

Ấn Độ: xếp hạng xanh cho đánh giá môi trường sống tích hợp

Lĩnh vực công trình xanh được hướng dẫn nhờ Bộ luật Xây dựng bảo tồn năng lượng (ECBC), trong đó đặt ra các tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu cho các tòa nhà thương mại mới. Hội đồng Công trình xanh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động xây dựng bền vững thông qua các chương trình chứng nhận của mình. Ngoài ra, Ấn Độ cũng áp dụng GRIHA (xếp hạng xanh cho đánh giá môi trường sống tích hợp) do Viện Năng lượng và tài nguyên phát triển. Đây được coi là khuôn khổ cho các công trình xanh quốc gia vì nó đánh giá hiệu quả mội trường của các tòa nhà và môi trường sống. GRIHA được thiết kế đặc biệt để phù hợp với điều kiện kinh tế và khí hậu của Ấn Độ, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của tính bền vững, bao gồm tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và chất lượng môi trường trong nhà.

Nhật Bản: thúc đẩy các công trình có khả năng chống chịu thiên tai

Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc kết hợp hiệu quả năng lượng và tính bền vững vào lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là để ứng phó với những thách thức về an ninh năng lượng. CASBEE (Hệ thống đánh giá toàn diện về hiệu quả môi trường xây dựng) được sử dụng rộng rãi để đánh giá và xếp hạng hiệu quả môi trường của các tòa nhà. Nhật Bản cũng tập trung vào các hoạt động xây dựng có khả năng chống chọi với thiên tai, xem xét khả năng dễ bị tổn thương trước động đất và bão.

Hàn Quốc: khuyến khích công trình xanh bằng chế tài và ưu đãi

Cách tiếp cận công trình xanh bao gồm sự kết hợp giữa các quy định chế tài và ưu đãi. Luật Khuyến khích công trình xanh cung cấp khung pháp lý để thúc đẩy lĩnh vực này, bao gồm các tiêu chuẩn và hệ thống chứng nhận. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chú trọng các dự án thành phố xanh và thông minh, tích hợp công nghệ tiên tiến với quy hoạch đô thị bền vững.

Nói chung, trên toàn cầu, phong trào hướng tới công trình xanh phản ánh nhận thức ngày càng tăng về tác động của ngành xây dựng đối với môi trường và tiềm năng thực hiện các biện pháp bền vững để giảm thiểu những tác động này.

Theo báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn