Thúc đẩy chuyển dịch đất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Chuyển dịch đất đai có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội, đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội; tạo thêm nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp. Bài viết nghiên cứu về tác động của chuyển dịch đất nông nghiệp đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, qua đó gợi mở một số vấn đề nhằm thúc đẩy chuyển dịch đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tác động của chuyển dịch đất nông nghiệp đến phát triển kinh tế - xã hội
Theo mục đích sử dụng đất, đất đai ở Việt Nam hiện được phân chia thành 3 nhóm chính sau: (i) Đất nông nghiệp; (ii) Đất phi nông nghiệp; (iii) Đất chưa sử dụng. Trong đất nông nghiệp được chia thành các phân nhóm sau: đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và đất nông nghiệp khác.
Nghiên cứu về biến động diện tích các loại đất giai đoạn 1994-2016 của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, trong số trên 33,1 triệu ha đất đai của cả nước, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đang sử dụng 27,3 triệu ha chiếm 81% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích đất nông nghiệp tăng đều trong suốt cả giai đoạn 1994-2016 từ 18,3 triệu ha lên 27,3 triệu ha. Thay đổi lớn nhất là đất chưa sử dụng đã giảm mạnh từ 11,7 triệu ha xuống còn 2,1 triệu ha trong cùng kỳ, điều này cho thấy việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vào các mục đích khác nhau đã và đang được đẩy mạnh.
Đối với đất nông nghiệp cũng có sự thay đổi đáng kể theo hướng tăng lên cả đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản nhờ đẩy mạnh khai hoang, thủy lợi đi đối với cải tạo đất. Tuy nhiên, cơ cấu đất nông nghiệp lại có sự thay đổi mạnh mẽ do chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp thời gian qua. Chỉ tính riêng giai đoạn 2001 đến nay, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã tăng mạnh (từ 8,88 triệu ha lên 11,53 triệu ha, nhưng diện tích đất lúa lại giảm từ trên 4,34 triệu ha xuống còn 4,14 triệu ha), kèm theo đó là sự tăng lên của đất cây hàng năm khác và cây lâu năm. Việc giảm diện tích đất lúa có nguyên nhân một phần do đô thị hóa và công nghiệp hóa đã chuyển một phần đất nông nghiệp (trong đó có đất lúa) sang đất phi nông nghiệp, phần còn lại là do hiệu quả của trồng lúa thấp, không mang lại thu nhập hấp dẫn như nuôi tôm, thủy sản nước ngọt, trồng cây ăn quả, rau màu, hoa, cây cảnh, chăn nuôi…
Về chủ thể sử dụng đất, kết quả thống kê về hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, đối với đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn đã được giao cho hộ gia đình cá nhân ở nông thôn sử dụng với tỷ lệ tăng lên từ 88,8% lên 89,4% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2006-2011. Tuyệt đại đa số diện tích đất trồng cây hàng năm, đặc biệt là diện tích đất trồng lúa đã được giao cho hộ gia đình nông dân sử dụng, chỉ còn 5-7% diện tích được giao cho các chủ thể khác.
Sự chuyển dịch trên đã có những tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam, đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội; tạo thêm nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, cụ thể như:
Thứ nhất, tác động đến hình thành các tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp tại các địa phương được tổ chức sản xuất với nhiều hình thức khác nhau như: hộ gia đình, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp… chuyển đổi cơ cấu đất nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn sẽ thúc đẩy phát triển hình thức trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Tích tụ, tập trung ruộng đất là một trong những yếu tố tạo điều kiện hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế về quy mô, do khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, mở rộng diện tích canh tác, tránh lãng phí đất; có khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là cơ giới hóa… Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng tích tụ, tập trung ruộng đất, góp phần làm giảm chi phí xã hội, thuận lợi hơn trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn.
Thứ hai, tác động đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong khu vực nông nghiệp, việc giao đất cho hộ nông dân đã tạo ra động lực lớn cho tăng trưởng nông nghiệp ở mức 3-4%/năm. Từ một nước thiếu hụt lương thực thường xuyên, Việt Nam đã đảm bảo được an ninh lương thực, hỗ trợ công nghiệp hóa và trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng như: Cà phê, cao su, chè, tiêu, điều, thủy sản và đồ gỗ. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu dựa trên việc sử dụng lao động, khai thác tài nguyên đất nước và đang có xu hướng suy giảm trong thời gian gần đây. Nếu không có đột phá về vốn, khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất để sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững, nông nghiệp Việt Nam khó có thể tiếp tục là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Thứ ba, tác động đến chuyển dịch dân cư, cơ cấu lao động. Thực tế hiện nay, lao động nông nghiệp không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp, nhưng không rút ra một cách chính thức, mà hầu hết là tham gia thị trường lao động phi chính thức và họ giữ đất nông nghiệp như một khoản bảo hiểm.Chuyển dịch đất đai thông qua tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phân công lại lao động trong nông nghiệp và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần cải thiện chất lượng và giảm tình trạng suy thoái đất đai.
Thứ tư, ảnh hưởng đến sự khác biệt xã hội ở nông thôn. Nhìn nhận một cách khách quan, khi đời sống của người nông dân chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ruộng, thì nhiều đất, ít đất hay không có đất sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế hộ nông dân. Chuyển dịch đất làm mất sinh kế của một bộ phận người dân…
Bên cạnh những tác động tích cực, sự chuyển dịch đất nông nghiệp cũng ảnh hưởng khá lớn tới đời sống kinh tế - xã hội các vùng nông thôn. Mặc dù, xã hội nông thôn đã có nhiều thay đổi, nhưng quan điểm bình quân về đất đai và đảm bảo “người cày có ruộng” dẫn đến đất nông nghiệp rất manh mún và không tập trung. Tiềm lực của kinh tế hộ còn quá yếu, chưa có điều kiện tập trung ruộng đất. Chưa động viên được sự tham gia của khu vực doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, theo đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu trong lôi kéo các tác nhân khác trong chuỗi giá trị hàng nông sản. Tuy nhiên, phạm vi còn hạn chế và ở hầu hết các địa phương doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai.
Một số đề xuất, khuyến nghị
Trong bối cảnh mới, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thúc đẩy chuyển dịch đất nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững là việc làm cần thiết, để góp phần đẩy nhanh tiến trình này, thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
- Thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào doanh nghiệp và các mô hình trang trại, hoạt động theo cơ chế thị trường; Ưu tiên tập trung ruộng đất theo hình thức gia trại, trang trại, lấy đây làm lực lượng nòng cốt để tổ chức hệ thống hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã; Miễn tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp, nhưng không quá hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với chủ trang trại trong vòng 5 năm sau khi được cấp giấy chứng nhận.
- Thay đổi cách tiếp cận truyền thống trong phát triển nông nghiệp, chuyển từ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị; Phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, dựa vào kỹ thuật và công nghệ, có năng suất và giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ nông dân sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững, cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản; Hỗ trợ về hạ tầng sản xuất, tiếp cận khoa học công nghệ; Hỗ trợ tăng cường liên kết chuỗi giá trị và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
- Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết trong sản xuất, có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao; Tạo điều kiện vốn hóa đất đai, tài sản và phát triển bảo hiểm xã hội cho những nông dân từ bỏ ruộng đồng tham gia vào lĩnh vực phi nông nghiệp; Đổi mới các chương trình đào tạo nghề, huy động sự tham gia của doanh nghiệp thuê lao động, theo nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động; Xóa bỏ những rào cản gắn với việc hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cho người di cư tới đô thị; Bảo vệ người lao động di cư ra đô thị thông qua các tổ chức công đoàn và các hình thức tổ chức của người lao động.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo quỹ đất nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất theo hướng hình thành các khu, vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm ổn định đời sống, việc làm cho người nông dân; Đổi mới chính sách đất đai theo hướng tiếp tục làm rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về đất đai ở trung ương và địa phương đối với từng loại đất và sự phân cấp trong quản lý; Nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ theo hướng có tầm nhìn chiến lược dài hạn; Đảm bảo tính ổn định và bình đẳng trong tiếp cận đất đai và tài nguyên rừng; Hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp)…
- Hoàn thiện chính sách thuế đối với đất nông nghiệp nhằm khuyến khích nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khắc phục tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích, khuyến khích các nhà đầu tư trong nông nghiệp sử dụng đất có hiệu quả.
- Đánh giá lại các chương trình bảo vệ rừng dựa trên cộng đồng để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công, hiệu quả. Đối với đất lâm nghiệp do các đơn vị nhà nước quản lý không hiệu quả, tiến hành chuyển giao diện tích đó cho cộng đồng hay hộ gia đình khai thác, hoặc phát triển theo hướng thương mại, tạo việc làm cho người lao động; Hỗ trợ thỏa thuận giữa ban quản lý rừng và cộng đồng đại phương, cho phép cộng đồng khai thác tài nguyên rừng ngoài gỗ để cải thiện sinh kế hộ gia đình.
Tài liệu tham khảo:
1. Hội đồng Lý luận Trung ương (2014), Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu tổng kết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
2. CIEM (2017), Các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp;
3. Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội, Đại học Sydney, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Australia (2007), Phát triển nông nghiệp và chính sách đất đai ở Việt Nam: Tóm tắt chính sách;
4. Đặng Kim Sơn, Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (2011), Chính sách đất đai cho phát triển tại Việt Nam - Cơ hội hay thách thức;
5. Phạm Duy Nghĩa (2012), Sở hữu toàn dân về đất đai và doanh nghiệp nhà nước: Một số ưu tiên chính sách trong tái cấu trúc nền kinh tế;
6. Nguyễn Quang Thuấn (2018), Tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong điều kiện mới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
7. Klaus Deininger (2003), Chính sách đất đai cho tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, Báo cáo nghiên cứu chính sách của Ngân hàng Thế giới.