Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài
Nhiệm vụ hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2016-2020 đang được đặt vào năm 2020, trong khi đó đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước, trong đó có các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi.
Trong bối cảnh đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài
Nhiệm vụ hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2016-2020 đang được đặt vào năm 2020, trong khi đó, đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường đã và đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước, trong đó có các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi.
Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài nói riêng. Cụ thể như: Ban hành các nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức 7 Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức 2 hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương vào ngày 16/7/2020 và ngày 21/8/2020…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng và quy trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị; thành lập và kiện toàn tổ công tác thúc đẩy giải ngân; phân công một đồng chí lãnh đạo bộ, địa phương trực tiếp chỉ đạo điều hành, đôn đốc công tác giải ngân của các dự án; tăng cường kiểm tra hiện trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Riêng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo toàn ngành Tài chính thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như: Ban hành 15 lượt văn bản gửi tới các bộ, ngành địa phương, chủ dự án đề nghị sớm phân bổ và nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) số dự toán được giao, có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, đôn đốc giải ngân và yêu cầu hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt, hoàn trả phần tiền đã rút về tài khoản đặc biệt mà chưa giải ngân hoặc chậm hoàn chứng từ; Tổ chức 3 lượt Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với các bộ và địa phương (ngày 25/6/2020, ngày 26/8/2020 và ngày 31/8/2020); đẩy mạnh việc hiện đại hóa quản lý đơn rút vốn, rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, hạch toán; Xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 82/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 quy định về chế độ, biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công.
Ngoài triển khai các nhiệm vụ trên, Bộ Tài chính cũng đã triển khai 7 đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bộ có các dự án sử dụng vốn ODA với quy mô vốn lớn; tổ chức 5 đoàn công tác làm việc với các địa phương, trong đó 2 đoàn do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn để rà soát, ghi nhận các vấn đề vướng mắc trong giải ngân dự án vay ODA, vay ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án…
Mới đây, ngày 20/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Công văn số 10071/BTC-QLN trực tiếp gửi tới các đồng chí Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu cam kết tiến độ giải ngân vốn nước ngoài hàng tháng cho đến cuối năm 2020. Đồng thời, Bộ Tài chính có Công văn số 9106/BTC-QLN ngày 29/7/2020 đề nghị các bộ, địa phương rà soát số liệu vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân nhưng chưa thực hiện hạch toán vào ngân sách nhà nước từ năm 2019 trở về trước và có đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm việc hạch toán và quyết toán trong năm 2020.
Nếu như tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương mới đạt 13,96% dự toán được giao năm 2020, thì sau hai tháng có chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp, các ngành, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ, địa phương đã đạt tỷ lệ 21,28% dự toán được giao (tương đương 3.875 tỷ đồng); của các địa phương đạt tỷ lệ 22% dự toán vốn cấp phát được giao (tương đương 8.600 tỷ đồng). Đối với vốn vay lại của địa phương, tỷ lệ giải ngân là 26% kế hoạch cho vay lại (trị giá 6.895 tỷ đồng).
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài chậm
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài chậm là do một số nguyên nhân sau:
Một là, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, ảnh hưởng từ các lần giao kế hoạch vốn các năm trước bị chậm, không có khả năng giải ngân hết nên có tình trạng trả lại kế hoạch vốn.
Đối với các bộ, ngành, đến nay đã có 9/12 bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng số vốn là 4.587 tỷ đồng. Cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lại 1.808 tỷ đồng/3.638 tỷ đồng dự toán; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trả lại 1.135 tỷ đồng/2.230 tỷ đồng dự toán; Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lại 330 tỷ đồng/619 tỷ đồng; Bộ Y tế trả lại 500 tỷ đồng/1.100 tỷ đồng dự toán; Bộ Quốc phòng trả lại 500 tỷ đồng/1.253 tỷ đồng dự toán; Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 147 tỷ đồng/2.153 tỷ đồng dự toán; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trả lại 87 tỷ đồng/245 tỷ đồng dự toán; Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc trả lại 50 tỷ đồng/190 tỷ đồng dự toán; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lại 30 tỷ đồng/103 tỷ đồng dự toán.
Đối với các địa phương, có 9/62 địa phương đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng số 4.480,2 tỷ đồng. Cụ thể: Hà Nội 1.546 tỷ đồng, Cần Thơ 1.106 tỷ đồng, Quảng Ninh 526 tỷ đồng, Bình Dương 342 tỷ đồng, Lào Cai 531,8 tỷ đồng, Đồng Nai 161 tỷ đồng, Long An 56,4 tỷ đồng, Cà Mau 102 tỷ đồng, Hà Giang 109 tỷ đồng.
Hai là, vướng mắc trong chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong triển khai công tác đấu thầu, ký hợp đồng, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu do khác biệt giữa hợp đồng FIDIC (mẫu Hợp đồng do Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn phát hành).
Điển hình cho việc chậm triển khai dự án do chậm đấu thầu có thể thấy ở một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2020 lớn như: Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Bắc Giang (kế hoạch vốn năm 2020 cấp phát là 169 tỷ đồng); Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Quy Nhơn (kế hoạch vốn năm 2020 cấp phát là 155 tỷ đồng); Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc-Tiểu dự án tỉnh Hà Giang (kế hoạch vốn năm 2020 cấp phát là 102 tỷ đồng), Xây dựng Trường Đại học Dược Hà Nội trở thành Trường trọng điểm quốc gia ngang tầm khu vực vào năm 2020 (kế hoạch vốn năm 2020 cấp phát là 369,8 tỷ đồng).
Ba là, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay.
Theo quy định hiện hành, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh hiệp định vay nào dẫn đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước. Quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài thường phức tạp và kéo dài dẫn đến việc một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh hiệp định vay.
Từ đầu năm 2020 đến nay có 11 hiệp định vay cho các dự án của các bộ, ngành phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ, trong đó có một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn như: Dự án Xây dựng tuyến Lộ Tẻ Rạch Sỏi (dự toán năm 2020 là 700 tỷ đồng), Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III TP. Hà Nội (dự toán năm 2020 là 615 tỷ đồng), Dự án Đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Hợp phần A) - Giai đoạn khởi động (dự toán năm 2020 là 340 tỷ đồng); đối với các địa phương, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến đối với 25 đề nghị điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2020 lớn như: Dự án Tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nôi, tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (dự toán 1.157 tỷ đồng); dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Sơn La (dự toán 108 tỷ đồng); dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Hà Giang (dự toán 100 tỷ đồng)...
Bốn là, chậm làm các thủ tục thanh toán.
- Trường hợp đã có khối lượng hoàn thành nhưng chậm làm thủ tục thanh toán có nguyên nhân điển hình là dự án giải ngân theo kết quả nhưng chưa được Nhà tài trợ công nhận kết quả kiểm đếm (Ví dụ: Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - tiểu dự án TP. Thái Nguyên; Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - tiểu dự án TP. Yên Bái).
- Một số dự án thay đổi tổ chức của Ban Quản lý dự án, ảnh hưởng đến thủ tục và tiến độ thanh toán. Ví dụ như: Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình chỉ giải ngân được 21 tỷ đồng (vốn cấp phát) trên kế hoạch vốn được giao 150 tỷ đồng; Dự án Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chỉ giải ngân được 6,8 tỷ đồng (vốn cấp phát) trên kế hoạch vốn được giao 165 tỷ đồng...
- Nhằm hỗ trợ các chủ dự án linh hoạt và chủ động trong thực hiện thanh toán, Bộ Tài chính đã phối hợp với các nhà tài trợ tạm ứng vốn theo hiệp định đã ký kết để thực hiện dự án trên cơ sở chủ dự án cần phải hoàn chứng từ ngay sau khi có khối lượng phát sinh đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ dự án còn chậm trễ thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt, có nơi chậm đến 6 tháng.
Năm là, do giải ngân song song kế hoạch vốn năm 2019 và kế hoạch vốn năm 2020.
Kế hoạch vốn năm 2019 được giao làm nhiều lần và chậm, do đó trong năm 2019 mới chỉ giải ngân được 32,5% kế hoạch vốn nước ngoài phần ghi thu, ghi chi. Năm 2020, bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn 2020, trong 8 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, địa phương còn tập trung giải ngân tiếp dự toán năm 2019 được kéo dài, chuyển nguồn. Cụ thể, các bộ, ngành giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 là 2.663 tỷ đồng, trong đó giải ngân của Bộ Tài nguyên và Môi trường là 191 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 286 tỷ đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo là 389 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải là 1.001 tỷ đồng.
Các địa phương giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 là 8.794 tỷ đồng, trong đó: Dự án phát triển môi trường TP. Đà Nẵng là 172 tỷ đồng (giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 chỉ là 57 tỷ đồng); Dự án sửa chữa nâng cao an toàn đập tỉnh Yên Bái là 137 tỷ đồng (giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 chỉ là 20 tỷ đồng); Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị là 75 tỷ đồng (chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2020)...
Ngoài các nguyên nhân trên, việc giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài chậm còn do tác động của đại dịch Covid-19. Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước do hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, (như các dự án của ngành Giao thông hay dự án Metro 3 của TP. Hà Nội, dự án của Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam)...
Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai còn lúng túng trong việc triển khai các quy định mới liên quan tới quy trình quản lý định mức đầu tư theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài
Mới đây, tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ngày 21/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ trưởng các bộ, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm trễ những việc trong thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân nào làm chậm thì phải kỷ luật nghiêm. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra thì kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.
Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài, trong đó tập trung triển khai các nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án theo các trường hợp sau:
- Trường hợp dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương xác định rõ tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt được và lý do không đạt được tỷ lệ giải ngân 100% theo kế hoạch vốn năm 2020;
- Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đã được giao, các bộ, ngành, địa phương có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển ngay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18/7/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.
- Trường hợp việc điều chỉnh kế hoạch vốn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội thì cần hoàn tất các thủ tục để trình Quốc hội chậm nhất trước kỳ họp Quốc hội dự kiến tháng 11/2020.
Thứ hai, đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các bộ, ngành, địa phương cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối chung trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương, Ban Quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, gửi Kho bạc Nhà nước để được xác nhận kiểm soát chi, đủ điều kiện thanh toán.
Thứ tư, đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, trên cơ sở phê duyệt/quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).
Thứ năm, về tài chính, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các nội dung sau:
- Bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh.
- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo chế độ quy định, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân. Đối với khoản tiền đã rút về tài khoản đặc biệt, yêu cầu các Ban Quản lý dự án sớm hoàn thiện chứng từ theo chế độ quy định.
- Các Ban quản lý dự án thực hiện ghi thu, ghi chi kịp thời, không để dồn chứng từ vào cuối năm; Kho bạc Nhà nước đôn đốc các Ban quản lý dự án thực hiện ghi thu, ghi chi, tổng hợp kết quả ghi thu, ghi chi báo cáo cấp có thẩm quyền định kỳ 15 ngày/1 lần để có chỉ đạo cần thiết.
- Chỉ đạo các chủ dự án, vào các ngày 15 và 30 hàng tháng, chủ động phối hợp rà soát, đối chiếu số liệu giải ngân với Bộ Tài chính nhằm công khai số liệu giải ngân trên trang điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai cam kết cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương trên nguyên tắc khối lượng hoàn thành sát với khối lượng kiểm soát chi và khối lượng kiểm soát chi sát với đề nghị thanh toán của chủ dự án...
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2019), Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình;
2. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 82/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 quy định về chế độ, biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công;
3. Bộ Tài chính (2020), Công văn số 10071/BTC-QLN gửi các đồng chí Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu cam kết tiến độ giải ngân vốn nước ngoài hàng tháng cho đến cuối năm 2020;
4. Bộ Tài chính (2020), Công văn số 9106/BTC-QLN ngày 29/7/2020 đề nghị các bộ, địa phương rà soát số liệu vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân nhưng chưa thực hiện hạch toán vào ngân sách nhà nước từ năm 2019 trở về trước và có đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm việc hạch toán và quyết toán trong năm 2020.