Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam

Phạm Nga

Ngày 29/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”.

Rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy năng suất lao động chính là sự bất định khi đầu tư vào công nghệ.
Rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy năng suất lao động chính là sự bất định khi đầu tư vào công nghệ.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, ở cấp độ tổng thể nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong 10 năm 2011-2020 đạt 6,0%, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%).

Tuy vậy, năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng. Trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù năng suất lao động thấp nhưng tốc tăng tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu.

Trong khi đó, năng suất lao động khu vực công nghiệp - xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. Năng suất lao động của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.

Rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy năng suất lao động chính là  sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.