Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam


Công nghiệp môi trường là một phân ngành thuộc ngành Công nghiệp trong nhóm các ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu xử lý chất thải, bảo đảm tiêu chuẩn cho công tác bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, Việt Nam đã, đang từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng các vật liệu xây không nung, thân thiện với môi trường.
Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng các vật liệu xây không nung, thân thiện với môi trường.

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam từng bước hoàn thiện. Theo Luật số 72/2020/QH14 – Luật Bảo vệ môi trường, ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường quy định cụ thể các hoạt động đầu tư kinh doanh về bảo vệ môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh được hưởng ưu đãi, hỗ trợ.

Tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường thuộc gồm các nội dung sau: Cung cấp danh mục nhóm công nghệ, thiết bị, sản phẩm thuộc ngành công nghệ môi trường; Chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường liên quan đến hỗ trợ về đất đai; ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư; ưu đãi về thuế, phí và lệ phí; trợ giá sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường; hỗ trợ quảng bá sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; Đối tượng phát triển dịch vụ môi trường và khuyến khích phát triển dịch vụ môi trường.

Quyết định số 192/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường;  Phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững, tài nguyên và phục hồi môi trường; Phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường; Phát triển dịch vụ môi trường; Phát triển thị trường và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường...

Tại Quyết định số 450/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, một số nhiệm vụ của chiến lược gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam gồm:

Một là, thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp tái chế, hình thành các khu công nghiệp tái chế; khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở tái chế có công nghệ hiện đại; từng bước hạn chế các cơ sở tái chế thủ công, quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.

Hai là, đẩy mạnh áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đồng xử lý, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải, từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt.

Ba là, tiếp tục cung cấp nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường và ngăn chặn các yếu tố môi trường có hại cho sức khỏe con người.

Bốn là, phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái để giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.

Năm là, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng các vật liệu xây không nung, thân thiện với môi trường, từng bước hạn chế phát triển nhiệt điện than; kiểm soát các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Sáu là, phát triển và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện quản lý tổng hợp chất thải rắn; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý/tiêu hủy kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn; kiểm soát, giảm thiểu phát thải mê-tan từ các bãi chôn lấp chất thải rắn.

Bảy là, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát thải các-bon thấp, các mô hình sinh kế gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.