Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2022
Bảo vệ môi trường không phải là đi ngược lại với việc giảm lợi nhuận doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc tăng giá thành sản phẩm. Hai lĩnh vực này không phải lúc nào cũng đối kháng nhau, mà nhiều lúc còn hỗ trợ cho nhau.
Các sản phẩm đạt chứng nhận môi trường, mặc dù có thể có giá thành cao hơn các sản phẩm cùng loại, nhưng vẫn được người dân ưa thích sử dụng do họ có ý thức cao đối với việc bảo vệ môi trường. Mặc dù mục đích cuối cùng của doanh nghiệp nhỏ và vừa là lợi nhuận, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quan tâm hơn nữa và có sự đầu tư thích hợp tới các khía cạnh về môi trường để có thể phát triển một cách bền vững. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2022
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, đã xác định cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ môi trường. Luật đã có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp nhỏ và vừa .
Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Chính vì vậy, phát huy được vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Luật đã quy định rõ hơn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về các yêu cầu đối với Đánh giá tác động môi trường trong quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án đầu tư.
Đánh giá tác động môi trường không chỉ đưa ra các phân tích, dự báo tác động môi trường của dự án mà còn có vai trò xác định sự cố môi trường để đưa ra các biện pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Điều này giúp cho các nhà đầu tư có thể phòng ngừa và giảm thiểu các sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án. Việc sử dụng thống nhất một loại Giấy phép môi trường được đánh giá tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án và giảm các chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc này cũng giúp cho quá trình quản lý nhà nước về môi trường được thống nhất và chặt chẽ.
Một số thành tựu và hạn chế trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được các cơ quan nhà nước đặc biệt quan tâm. Chi ngân sách đầu tư nhiều công trình, dự án bảo vệ môi trường ở các khu sản xuất tập trung. Nhờ vậy, một số nơi không còn điểm “nóng”, điểm “đen” về môi trường. Tuy nhiên, để tiếp tục cải thiện môi trường ở các khu, cụm công nghiệp còn nhiều việc phải làm. Vi phạm phổ biến là xả chất thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường, chôn lấp chất thải, khai thác khoáng sản trái phép,…
Thứ hai, càng phát triển sản xuất công nghiệp, càng phải quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Việc tuân thủ trách nhiệm với môi trường, xã hội không chỉ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm rủi ro về mặt pháp lý, tài chính để hướng tới phát triển bền vững còn góp phần tạo dựng giá trị về mặt hình ảnh, uy tín cho chính doanh nghiệp. Từ giá trị này, doanh nghiệp có cơ hội phát triển thị trường, mở rộng nhà máy, đây mới là lợi ích lớn và lâu dài. Vài năm gần đây, đã có những công ty được nhận nhiều chứng chỉ “xanh” trong nước và quốc tế liên quan đến môi trường. Điều này không phải nghiễm nhiên mà là cả một quá trình, quá trình đó xuất phát từ tư duy muốn xây dựng môi trường làm việc tốt cho công nhân và sản phẩm tốt cho cộng đồng.
Khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề tái chế chất thải rắn. Không chỉ yêu cầu tái chế theo tỷ lệ mà pháp luật môi trường quy định, nhiều đơn vị đặt vấn đề tái chế 80-100% chất thải không nguy hại. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp xử lý triệt để chất thải với chi phí thấp, mà còn là điều kiện để đạt được các chứng chỉ “xanh” về môi trường, sản phẩm. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, mà đối tác của họ từ châu Âu, châu Mỹ đến xem tái chế chất thải là một trong những điều kiện để họ hợp tác.
Thứ ba, đa số doanh nghiệp trong nước quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính và công nghệ thấp, khó thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường nên tìm cách né trách nhiệm. Pháp luật về môi trường còn nhiều nội dung gây khó khăn cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, giám sát. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường chưa được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến doanh nghiệp còn vi phạm; mức xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, có trường hợp đóng tiền xử phạt thấp hơn chi phí để xử lý, khắc phục môi trường.
Thứ tư, đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đến người lao động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ người lao động làm công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực có liên quan nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân chủ động nghiên cứu luật và các văn bản hướng dẫn để bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, qua đó thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường.
Một số điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đóng vai trò quan trọng trong thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2022
Thứ nhất, về chính sách hỗ trợ thực hiện bảo vệ môi trường. Cần triển khai thực hiện phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mức độ ô nhiễm.
Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg (ngày 12/3/2021) về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về môi trường; tăng cường công tác hậu kiểm; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp thực hiện luật.
Việc đánh giá, phân loại và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mức độ ô nhiễm môi trường được thực hiện định kỳ 2 năm/lần. Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố trên phương tiện thông tin, truyền thông danh mục doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đa dạng biện pháp quản lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thứ hai, ban hành hành lang pháp lý về chính sách ưu đãi cho công tác bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được công nhận.
Các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề nằm trong diện khuyến khích phát triển, được ưu tiên các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường doanh nghiệp nhỏ và vừa. UBND khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư, tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chế độ ưu đãi về đầu tư và các ưu đãi khác theo quy định của UBND Thành phố/tỉnh và pháp luật hiện hành. Trường hợp phải di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư, được xem xét hỗ trợ tiền thuê đất theo mức miễn, giảm theo quy định.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và người lao động làm công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực có liên quan nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ tư, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cần chủ động nghiên cứu luật và các văn bản hướng dẫn để bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường qua đó thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường. Vì người dân, doanh nghiệp có vai trò, vị trí trung tâm đối với công tác bảo vệ môi trường. Tích cực, chủ động và tham gia có trách nhiệm vào công tác bảo vệ môi trường chính là bảo đảm sức khỏe, chất lượng sống của chính mình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2020). Luật số 72/2020/QH14: Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2020.
- Quốc hội (2020). Luật số 55/2014/QH13: Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 01 tháng 7 năm 2014.
- Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 343/QĐ-TTg (ngày 12/3/2021) về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội.