Ảnh hưởng của dòng vốn FDI đến năng suất lao động tại các địa phương của Việt Nam
Thông qua các số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 63 tỉnh thành trong giai đoạn từ 2010 đến 2021, nghiên cứu này cho thấy, có 4 đặc điểm của FDI có tác động tích cực đến năng suất lao động tại các địa phương của Việt Nam gồm: Số vốn FDI đang đầu tư trong nền kinh tế, số dự án FDI đăng ký lũy kế đang hoạt động, số lao động làm trong khu vực FDI, doanh thu thuần của khu vực FDI. Bên cạnh đó, 2 đặc điểm không có tác động đến năng suất lao động của địa phương gồm số vốn FDI đăng ký lũy kế còn hoạt động, số lượng doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong nền kinh tế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số giải pháp thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy tăng năng suất lao động tại các tỉnh/thành Việt Nam.
Mở đầu
Nhận thức được tầm quan trọng của FDI đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và đặc biệt năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong để đảm bảo thiết lập một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua các chính sách khuyến khích và thu hút FDI. Các số liệu trong năm 2022 cho thấy, Việt Nam đang là nước có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, trong năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD. Cùng với đó, NSLĐ cả nước cũng ghi nhận mức tăng đều qua các năm, cụ thể như: NSLĐ của Việt Nam bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (đạt 4,3%) (Tổng cục Thống kê, 2022). Kết quả này có được nhờ đóng góp không nhỏ của FDI, có thể quan sát qua các số liệu thực tế, tuy nhiên vẫn cần các nghiên cứu thực nghiệm kiểm định mối quan hệ này giữa FDI và NSLĐ.
Đã có nhiều nghiên cứu về vai trò của FDI đối với NSLĐ nhưng đa phần đều ở cấp độ doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều các nghiên cứu chuyên sâu tại một quốc gia đang phát triển và phân tích ở cấp độ địa phương. Do đó, nghiên cứu này lựa chọn vấn đề “Vai trò của FDI đối với NSLĐ: nghiên cứu thực nghiệm tại các địa phương Việt Nam” để tập trung phân tích tác động của FDI đối với NSLĐ tại các địa phương, và dựa trên kết quả thu được đề ra các giải pháp nhằm thu hút FDI góp phần gia tăng NSLĐ.
Cơ sở lý luận
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 1993) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 1996), FDI là hoạt động đầu tư quốc tế nhằm thu về lợi ích lâu dài mà một cá nhân hay tổ chức của một quốc gia này đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn cho một dự án ở một quốc gia khác nhằm tham gia kiểm soát hoặc có toàn quyền kiểm soát đối với dự án đó. Về bản chất, FDI là sự giao nhau về nhu cầu giữa nước đầu tư FDI và nước tiếp nhận đầu tư FDI, liên quan đến mở rộng thị trường của các nhà đầu tư đa quốc gia; gắn liền với sự phát triển của thị trường tài chính thương mại quốc tế; có sự thiết lập về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư và quyền sở hữu, quản lý đối với tài sản đã được đầu tư, cùng với đó là quyền chuyển giao công nghệ kỹ thuật của nước đầu tư với nước nhận đầu tư (Boghean và State, 2015). Đây là cơ sở nâng cao NSLĐ từ tác động trực tiếp trong khu vực FDI và lan tỏa toàn bộ nền kinh tế của quốc gia nhận đầu tư (Trần Văn Nguyện và Đỗ Thị Thu Hà, 2018).
NSLĐ ở đây được hiểu là tỷ lệ giữa đầu ra, xét về hàng hóa và dịch vụ, so với đầu vào, xét về nguồn lực được sử dụng trong quy trình sản xuất (Samuelson và Nordhaus, 2009).
Để giải thích mối quan hệ hay tác động của FDI đến NSLĐ cấp vĩ mô một quốc gia hay địa phương, các nghiên cứu lý luận đều lấy doanh nghiệp FDI là đơn vị phân tích, vì đây là đối tượng cũng là trung tâm của hoạt động FDI tại nước nhận đầu tư. Theo đó, các học giả đều đồng thuận rằng, tỷ lệ quyền sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài, thường tỷ lệ thuận với quyền kiểm soát, có vai trò quan trọng tăng NSLĐ, nhờ tạo điều kiện thuần lợi cho chuyển giao các quy trình sản xuất kinh doanh, bí quyết quản lý và công nghệ từ nhà đầu tư nước ngoài đến các doanh nghiệp FDI tại nước sở tại (Liu và cộng sự, 2016). Nói cách khác, FDI tác động trực tiếp đến NSLĐ ở nước nhận đầu tư thông qua chính NSLĐ cao của khu vực FDI.
Bên cạnh tác động trực tiếp từ NSLĐ vượt trội của doanh nghiệp FDI, tác động gián tiếp cũng được tìm thấy trong nền kinh tế các nước nhận dòng vốn FDI. Blomström và Sjöholm (1999) quan sát thấy rằng dòng vốn FDI có thể làm giảm khoảng cách công nghệ giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước của các nước đang phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho các nước này tiếp cận công nghệ của các nước phát triển...
Từ những phân tích trên, nghiên cứu này đề xuất giả thuyết tổng quan về tác động tích cực của vốn FDI đến NSLĐ tại địa phương tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, khác với với các nghiên cứu đã công bố tiếp cận NSLĐ nghiên cứu cấp độ doanh nghiệp, hoặc cấp vĩ mô lại đa phần chạy dữ liệu chuỗi thời gian (time series) với một số lượng biến giới hạn, tác giả tiếp cận phân tích tác động của FDI đến NSLĐ tại các địa phương và chuyên sâu tại một nước đang phát triển, cụ thể tại Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu
Thu thập dữ liệu và mẫu nghiên cứu
Để phân tích vai trò của FDI đối với NSLĐ tại các địa phương Việt Nam, nghiên cứu này thu thập dữ liệu thống kê tại niên giám thống kê của các tỉnh/thành từ năm 2010 đến năm 2021. Dữ liệu thu thập được tiếp tục được tinh lọc, loại bỏ các năm quan sát không có đủ các dữ liệu quan trọng cần thiết phục vụ phân tích định lượng. Cuối cùng, mẫu nghiên cứu hình thành gồm 677 năm quan sát của 63 tỉnh/thành trong giai đoạn 2010 – 2021.
Trong năm 2021, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy Việt Nam là môi trường đầu tư có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù vốn FDI thực hiện của các dự án FDI trong năm 2021 so với năm 2020 giảm 1,2%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, trong đó vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5% (Tổng cục Thống kê, 2022).
Tại các địa phương, theo số liệu thống kê vốn FDI lũy kế còn hoạt động tính đến hết 2021, 10 tỉnh/thành thu hút nhiều vốn FDI nhất gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Long An, Hà Tĩnh. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với 52,92 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn FDI đăng ký lỹ kế còn hoạt động cả nước; số dự án FDI lũy kế còn hoạt động đạt 10.394 chiếm 30,15% cả nước.
Đứng thứ hai là Bình Dương với tổng vốn đăng ký lũy kế còn hoạt động là trên 37,791 tỷ USD. Hà Nội là địa phương đứng thứ 3 trong 10 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất giai đoạn đến 2021 với tổng vốn đăng ký lũy kế còn hoạt động là 37.582,1 triệu USD chiếm 8,95% cả nước và số dự án FDI lũy kế còn hoạt động là 6.700 chiếm 19,4% cả nước (Tổng cục Thống kê, 2022).
Về NSLĐ, theo Tổng cục Thống kê (2022), trong giai đoạn 2016 – 2020, đạt tốc độ 5,8%/năm cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 – 2015 trước đó. Xét theo tổng thể nền kinh tế, NSLĐ của Việt Nam đã tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021. Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng NSLĐ đạt 6,0%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%, mặc dù vậy NSLĐ của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN. Dẫu vậy, mức NSLĐ của nước Việt Nam vẫn là thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (2022), 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không nằm trong vị trí dẫn đầu trong danh sách 10 địa phương có NSLĐ cao nhất năm 2021. Theo đó, địa phương có NSLĐ cao nhất là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với NSLĐ năm 2021 đạt 585,9 triệu đồng cao gấp 3 lần NSLĐ cả nước; thứ hai là tỉnh Quảng Ninh đạt 364,3 triệu đồng cao gấp 2 lần cả nước; Thứ ba là Hải Phòng đạt 312,2 triệu đồng cao gấp 1,8 lần cả nước. Cao thứ tư cả nước là Bắc Ninh với NSLĐ đạt 305,1 triệu đồng cao gấp 1,77 lần cả nước. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ năm với NSLĐ đạt 299,5 triệu đồng cao gấp 1,7 lần cả nước. Các vị trí tiếp theo trong danh sách lần lượt là Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên.
Các biến nghiên cứu
Bảng 1: Thang đo các biến nghiên cứu |
||
Tên biến |
Ký hiệu |
Đo lường |
Tỷ trọng vốn FDI lũy kế còn hoạt động so với GDP |
X1 |
= |
Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực FDI so với tổng vốn đầu tư trong nền kinh tế địa phương |
X2 |
= |
Số lượng dự án FDI lũy kế đang hoạt động tại địa phương |
X3 |
= Tổng số dự án FDI còn đang hoạt động |
Tỷ trọng số doanh nghiệp khu vực FDI trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương |
X4 |
= |
Tỷ trọng số lao động trong khu vực FDI trong tổng số lao động tại địa phương; |
X5 |
= |
Tỷ trọng doanh thu thuần của doanh nghiệp FDI trong tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương |
X6 |
= |
Tăng trưởng kinh tế GDP của địa phương |
X7 |
= |
NSLĐ của địa phương |
Y |
= |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Theo tiếp cận đa chiếu để làm rõ vai trò của FDI, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích hồi quy với 6 biến độc lập thể hiện các khía cạnh khác nhau của FDI trong nền kinh tế địa phương, gồm: (X1) Tỷ trọng vốn FDI lũy kế còn hoạt động so với GDP của địa phương; (X2) Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực FDI so với tổng vốn đầu tư trong nền kinh tế địa phương; (X3) Số lượng dự án FDI lũy kế đang hoạt động tại địa phương; (X4) Tỷ trọng số doanh nghiệp khu vực FDI trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương; (X5) Tỷ trọng số lao động trong khu vực FDI trong tổng số lao động tại địa phương; (X6) Tỷ trọng doanh thu thuần của doanh nghiệp FDI trong tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương. 1 biến kiểm soát là (X7) Tăng trưởng kinh tế GDP của địa phương. Bộ thang đo nghiên cứu được xác lập như Bảng 1.
Bảng 2: Phân tích miêu tả các biến nghiên cứu |
|||||
Biến |
N |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
Giá trị trung bình |
Độ lệch chuẩn |
X1 |
677 |
0,000 |
2.236,536 |
95,855 |
144,254 |
X2 |
677 |
0,000 |
461,455 |
13,903 |
24,613 |
X3 |
677 |
0,000 |
9.942,000 |
346,597 |
1.043,355 |
X4 |
677 |
0,029 |
18,104 |
2,066 |
2,697 |
X5 |
677 |
0,010 |
77,159 |
20,968 |
20,588 |
X6 |
677 |
0,000 |
154,268 |
17,562 |
20,805 |
X7 |
677 |
-15,310 |
53,200 |
8,092 |
4,962 |
Y |
677 |
7,153 |
10,731 |
7,836 |
0,291 |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Phân tích miêu tả các biến nghiên cứu cho kết quả như Bảng 2.
Phương pháp phân tích
Để kiểm định tác động của các khía cạch đóng góp của FDI đến NSLĐ địa phương tiếp nhận đầu tư, bài viết sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính. Mô hình hồi quy được xây dựng như sau:
Y = a0 + a1*X1 + a2*X2 + a3*X3 + a4*X4 + a5*X5 + a6*X6 + a7*X7 + ε
Trong đó:
a0 đến a7: các hệ số cần tìm;
Y: NSLĐ của địa phương, đo lường bằng GDP bình quân của người lao động;
X1, .., X6: các biến độc lập về FDI địa phương;
X7: biến kiểm soát tăng trưởng kinh tế địa phương;
ε: sai số.
Sử dụng phần mềm Stata 16, trước tiên, tác giả tiến hành đánh giá hệ số tương quan giữa các biến độc lập. Kết quả cho thấy, hệ số tương quan của X2 và X3, X4 và X5, X4 và X6, X5 và X6 khá cao > 0,6; đặc biệt hệ số tương quan giữa X4 và X5, X5 và X6 > 0,7; và đều có ý nghĩa thống kê ở ngưỡng tin cậy 95%. Hệ số tương quan cao này cho thấy có thể tồn tại vấn đề đa cộng tuyến trong mô hình hồi quy.
Để đánh giá vấn đề đa cộng tuyến, bài viết phân tích tiếp đến hệ số hệ số lạm phát phương sai VIF (Variance inflation factor) trong mô hình hồi quy tuyến tính thực hiện bằng phần mềm Stata 16. Kết quả cho thấy, các giá trị VIF của các biến độc lập X4, X5 và X6 đều lớn hơn 2. Kết hợp phân tích hệ số tương quan, mô hình hồi quy tuyến tính tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến, có thể làm sai lệch kết quả thu được. Do đó, tác giả tiến hành phân tích hồi quy sai số chuẩn mạnh Robust để loại bỏ hiện tượng đa cộng tuyến. Kết quả cuối cùng được trình bày trong bảng 6 dưới đây.
Kết quả nghiên cứu
- Kết quả phân tích định lượng và kiểm định giả thuyết. Kết quả phân tích hồi quy bằng phần mềm STATA đối với 06 biến độc lập liên quan đến FDI và 01 biến kiểm sát tăng trưởng kinh tế địa phương. Theo đó, giá trị thống kê F của mô hình hồi quy sai số chuẩn mạnh Robust đạt 109,88 với giá trị Sig. = 0,000 < 0,05 cho thấy mô hình phù hợp với dữ liệu thu thập được và tồn tại các biến giải thích có ý nghĩa. Chỉ số này cho phép khẳng định mô hình hồi quy đạt mức tin cậy.
- Đánh giá về quy mô vốn FDI. Kết quả hồi quy cho thấy, biến X1 – tỷ trọng FDI đăng ký lũy kế so với GDP không có tác động đáng kể đến NSLĐ (biến Y) tại các địa phương ở ngưỡng tin cậy 95% với các hệ số thống kê B = -0,000043 & p = 0,453 > 0,05. Ngược lại, tỷ trọng vốn FDI đầu tư hay vốn FDI đang triển khai trong tổng vốn đầu tư trong nền kinh tế (biến X2) lại có tác động tích cực cùng chiều đến NSLĐ của các địa phương ở ngưỡng tin cậy 95% với B = 0,000006 & p = 0,000 < 0,05. Kết quả này khẳng định chỉ vốn FDI thực tế triển khai vào nền kinh tế, chứ không phải vốn FDI đăng ký, có ảnh hưởng đến NSLĐ.
Cụ thể, vốn FDI đang triển khai chiếm tỷ trọng càng cao trong tổng vốn đầu tư tại nền kinh tế địa phương, thì NSLĐ của địa phương đó càng cao. Thực tế, gia tăng tỷ vốn FDI triển khai đồng nghĩa khu vực FDI càng đáng kể, đóng góp trực tiếp tích cực vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của địa phương trên cơ sở NSLĐ vượt trội của chính khu vực này. Thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo, khu vực FDI đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó giúp gia tăng NSLĐ. Ngược lại, nhiều dự án FDI đăng ký có thể không bao giờ được triển khai, sẽ không có tác động đến nền kinh tế xã hội của các địa phương.
- Đánh giá về số lượng FDI. Kết quả hồi quy cho thấy, biến X3 – số dự án FDI đăng ký lũy kế đang hoạt động có tác động tích cực cùng chiều đến giá trị NSLĐ (biến Y) của các địa phương ở ngưỡng tin cậy 95% với B = 0,00005 & p = 0,000 < 0,05. Kết quả này cho thấy, số lượng dự án FDI đăng ký càng cao thì NSLĐ của địa phương càng cao. Số lượng dự án FDI đăng ký còn hoạt động nhiều đồng nghĩa việc làm của khu vực FDI càng cao, hay số lượng lao động có NSLĐ vượt trội càng đông trong nền kinh tế địa phương; do đó tác động trực tiếp đến NSLĐ bình quân của địa phương. Thực tế, người lao động khu vực FDI có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, kỹ thuật sản xuất hiện đại, công cụ và cách thức quản lý hiệu quả cao, giúp nâng cao trình độ, phẩm chất, chất lượng người lao động, từ đó có thể gia tăng NSLĐ, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, phân tích hồi quy cho thấy, tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế địa phương (biến X4) không có tác động đáng kể đến NSLĐ (biến Y) tại các địa phương ở ngưỡng tin cậy 95% với các hệ số thống kê lần lượt B = -0,007926 & p = 0,088 > 0,05. Kết quả hàm ý rằng, tác động lan tỏa gián tiếp về mặt số lượng doanh nghiệp FDI không có vai trò trực tiếp nào đến NSLĐ tại các địa phương nước ta.
- Đánh giá về số lượng lao động trong khu vực FDI. Phân tích hồi quy cho thấy, biến X5 có tác động tích cực cùng chiều đến giá trị NSLĐ (biến Y) của các địa phương ở ngưỡng tin cậy 95% với B = 0,002277 & p = 0,019 < 0,05. Như vậy, tỷ trọng lao động trong tổng số hay số lượng lao động trong khu vực FDI tại địa phương càng cao thì NSLĐ của địa phương càng cao.
- Đánh giá về kết quả doanh thu thuần của khu vực FDI. Phân tích hồi quy cho thấy, biến X6 có tác động tích cực cùng chiều đến giá trị NSLĐ (biến Y) của các địa phương ở ngưỡng tin cậy 95% với B = 0,003154 & p = 0,001 < 0,05. Như vậy, các doanh nghiệp FDI càng có doanh thu thuần cao, chiếm tỷ trọng càng lớn trong tổng doanh thu thuần các doanh nghiệp địa phương làm ra, thì NSLĐ của địa phương càng cao. Thực tế, doanh thu thuần của doanh nghiệp thể hiện giá trị của cải vật chất được làm ra, do đó, doanh thu thuần của các doanh nghiệp FDI đóng góp trực tiếp vào GDP địa phương, nếu càng cao sẽ góp phần tích cực tăng NSLĐ địa phương, vốn được tính bằng GDP bình quân trên một lao động địa phương.
Liên quan đến biến kiểm soát tăng trưởng kinh tế, kết quả hồi quy cho thấy biến X7 có tác động tiêu cực ngược chiều đến giá trị NSLĐ (biến Y) ở ngưỡng tin cậy 95% với B = -0,010523 & p = 0,000 < 0,05. Kết quả đáng ngạc nhiên này hàm ý rằng tăng trưởng kinh tế của địa phương càng tăng thì NSLĐ lại càng giảm. Nguyên nhân có thể do lượng di dân về các thành phố lớn, phát triển nhanh, dẫn đến dân số tại các địa phương này tăng mạnh, trong khi lượng di dân đến đa phần là lao động phổ thông, có NSLĐ thấp, dẫn đến NSLĐ trung bình tại các địa phương tăng trưởng nhanh lại giảm. Ngược lại, những địa phương có tốc độ phát triển chậm, số lượng lớn di dân nhàn dỗi hoặc kém hiệu quả rời bỏ địa phương đến các thành phố lớn, tăng trưởng nhanh vì nhiều việc làm; dẫn đến dân số tại những địa phương này giảm và NSLĐ tăng trong ngắn hạn.
Kết quả nghiên cứu trên cho phép kết luận về dòng vốn FDI có tác động tích cực đến NSLĐ tại các địa phương Việt Nam. Cụ thể, các địa phương có (i) tỷ trọng càng lớn vốn FDI đang triển khai trong tổng vốn đầu tư của nền kinh tế, (ii) số dự án càng lớn FDI lũy kế đang hoạt động, (iii) tỷ trọng lao động khu vực FDI và (iv) tỷ trọng doanh thu thuần của khu vực FDI càng lớn thì có NSLĐ càng lớn.
Một số thảo luận về chính sách
Từ kết quả nghiên cứu thu được trên đây, bài viết có một số thảo luận về chính sách FDI tại Việt Nam như sau:
- Đối với dòng vốn FDI. Các địa phương cần thu hút các dự án FDI có số vốn đầu tư lớn, có tính khả thi cao để sớm triển khai vào nền kinh tế nhằm tăng lượng vốn FDI đang triển khai đầu tư trong nền kinh tế, và từ đó góp phần tăng NSLĐ. Cụ thể, cần xem xét lại và điều chỉnh kịp thời các chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp với những biến động của kinh tế thế giới cũng như những thay đổi trong chiến lược thu hút đầu tư của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, các địa phương cần thiết lập các quy định, tiêu chuẩn nhằm chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, có năng lực, góp phần tăng NSLĐ địa phương, góp phần vào phát triển bền vững.
- Về lao động và hiệu quả của các dự án FDI. Các địa phương cần khuyến khích và ưu tiên các dự án FDI sử dụng số lao động lớn, và tạo ra giá trị hàng hóa dịch vụ cao cho xã hội, nhằm tăng lượng lao động khu vực FDI và tỷ trọng đóng góp về doanh thu thuần của khu vực FDI so với tổng số của cả địa phương, để từ đó gia tăng NSLĐ.
Bên cạnh các giải pháp đặc thù nêu trên, các địa phương cần đề ra các quy định về ưu đãi đối với đất đai dành cho các nhà đầu tư như: được sở hữu hoặc được sử dụng đất đai trong một thời gian hợp lý, giảm giá thuê đất...; miễn giảm một số loại thuế; đề xuất các gói hỗ trợ và các khoản trợ cấp từ Chính phủ cho các dự án sử dụng số lượng lao động lớn.
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám thống kê - The Statistical Yearbook 2021. NXB Thống kê;
- Đỗ Thị Phượng (2020), Ảnh hưởng của khối FDI đến NSLĐ toàn nền kinh tế Việt Nam. Tạp Chí Công Thương, 12, 120–123;
- Phạm Hồng Chương, & Hồ Đình Bảo (2021), Những khác biệt trong tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất của các khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Tạp Chí Kinh Tế & Phát Triển - Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, 287, 2–12. https://doi.org/10.1108/TQM-10-2011-006;
- IMF (1993), Balance of Payments Manual. In International Monetary Fund. International Monetary Fund. https://doi.org/10.2307/2549626;
- OECD (1996), Benchmark Definition of Foreign Direct Investment (3rd Editio). Organisation for Economic Cooperation and Development;
- Blomström, M., & Sjöholm, F (1999), Technology transfer and spillovers: Does local participation with multinationals matter? European Economic Review, 43(4–6), 915–923. https://doi.org/10.1016/S0014-2921(98)00104-4.