Thúc đẩy tăng năng suất lao động cần tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa

Gia Hân

Theo ông Felix Weidencaff – Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, muốn tăng năng suất và việc làm bền vững cần đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì “họ vừa là người chơi chính trong nền kinh tế song cũng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc.”

Động lực tăng năng suất là sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao

Phát biểu tại phiên Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới", ông Felix Weidencaff cho biết, xu hướng giảm tỷ lệ tăng năng suất trong dài hạn đang diễn ra trên toàn cầu ở hầu khắp các khu vực trên thế giới đặt ra nhiều thách thức về mặt chính sách. 

Bên cạnh đó là thay đổi môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu. Cụ thể, áp lực lạm phát, căng thẳng địa chính trị, giá lương thực/năng lượng, cam kết giảm phát thải khí nhà kính và các nguồn lực đầu tư cần thiết... Trước bối cảnh đó, năng suất đóng vai trò rất quan trọng.

Ông Felix Weidencaff – Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Khu vực châu Á Thái Bình Dương phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Felix Weidencaff – Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Khu vực châu Á Thái Bình Dương phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Felix Weidencaff cho biết, xu hướng năng suất tại Việt Nam đã có sự cải thiện kể từ giai đoạn từ năm 2012 đến nay, tuy nhiên vẫn tương đối thấp so với khu vực ASEAN, thấp hơn Indonesia, Thái Lan, Malaysia…

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, phát triển bền vững, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. “Việt Nam chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, song không thể tiếp diễn vĩnh viễn nên cần có công nghiệp và sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là động lực để tăng năng suất”, ông Felix Weidencaff nhấn mạnh:.

Theo chuyên gia của ILO, Việt Nam cần bảo đảm chuyển đổi kinh tế và chuyển đổi việc làm đi đôi với nhau. Là một phần của hệ sinh thái năng suất, cách tiếp cận ở cấp vĩ mô đòi hỏi phải đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực chiến lược để các động lực thay đổi mang tính chuyển đổi.

Nhất là vai trò của các thể chế và chính sách thị trường lao động rất quan trọng để giải quyết những thách thức kép trong việc duy trì tăng trưởng năng suất và bảo đảm tăng trưởng năng suất bao trùm, tạo nhiều công ăn việc làm. Phải tạo được hệ sinh thái về thị trường lao động, điều này đòi hỏi sự can thiệp từ cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ông Felix Weidencaff cho rằng, muốn tạo việc làm và tăng năng suất bền vững cần tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi lẽ họ vừa là người chơi chính trong nền kinh tế song cũng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc.

Cần có sự gắn kết chính sách và bảo đảm các nguồn kinh phí; tăng cường phối hợp với các chính sách ở các lĩnh vực khác với lĩnh vực lao động. Khi có sự tích hợp, bổ trợ lẫn nhau giữa các chính sách sẽ tăng hiệu quả, góp phần tăng năng suất lao động.

Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao

Nêu lên những nguyên nhân dẫn đến không đạt được chỉ tiêu đề ra về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động năm 2023, cũng như trong 3 năm qua dưới tác động của đại dịch, suy thoái kinh tế, TS. Nguyễn Lê Hoa - Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất (Viện Năng suất Việt Nam) cho biết, nguyên nhân chính là Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề 2 của Diễn đàn.
Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề 2 của Diễn đàn.

Mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng. Các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Theo TS. Nguyễn Lê Hoa, thời gian qua, có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo.

Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Trong đó, tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; Tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động; Tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế đối với Việt Nam trong việc nâng cao năng suất lao động, ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, thực tiễn trước đây ở khu vực Đông Nam Á có Thái Lan và Malaysia có tốc độ tăng năng suất lao động tăng nhanh tuy nhiên 2 nước này lại không duy trì được tốc độ tăng năng suất lao động sau khủng hoảng tài chính châu Á.

Các quốc gia này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp. Đồng thời, cũng không đẩy mạnh đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước. 

Theo chuyên gia của UNDP, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia. Hiện nay, Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là rất thấp, đặc biệt là khu vực công, các viện nghiên cứu tư nhân chưa được khuyến khích phát triển. Điều này là do các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển. 

Ngoài ra, ông Jonathan Pincus còn chỉ rõ 2 vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là "tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải". Bên cạnh đó, khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển, trong khi đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan, bộ, ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.