Thúc đẩy xanh hoá ngành dệt may
Việc đón sóng đầu tư giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ hiện đại, các dự án hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi xanh, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, nâng sức cạnh tranh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế.
Tín hiệu khởi sắc
Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, sau hơn 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng lên gần 6 lần. Bên cạnh đó, ngành dệt may hiện sử dụng hơn 2 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỷ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp cả nước. “Như vậy, ngành dệt may đóng vai trò quan trọng không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 xuất khẩu dệt may đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Mặc dù vậy, điểm nổi bật của ngành dệt may trong năm qua là bứt phá về thị trường. Ngoài thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đáng kể hàng dệt may sang Canada, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ…
Sang năm 2024, tín hiệu thị trường dệt may đã có tín hiệu khởi sắc so với năm 2023. Tính đến 15/02/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023). Hiện đồng loạt các nhà máy đã mở máy khai xuân đầu năm với tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị và thương mại quốc tế đang có nhiều biến động, mức tồn kho cao, nhu cầu hàng hóa nói chung, sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, chi phí nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu.
Phát triển theo chiều sâu, tận dụng FTA
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Việt Nam hiện được nhận định là là điểm đến thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may trải dài toàn chuỗi cung ứng giá trị của dệt may bao gồm doanh nghiệp xơ sợi, công nghệ, dệt nhuộm, vải thành phẩm, thiết kế và may mặc... với các doanh nghiệp thương hiệu dệt may lớn đến từ Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc.
"Bên cạnh đó, việc là thành viên của các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)… tiếp tục là báo hiệu tích cực hơn nữa cho sự phát triển của ngành dệt may trong tương lai", ông Detlef Braun, Ủy viên Ban điều hành Tập đoàn Messe Frankfurt Đức nhận định.
Trên thực tế, so với tình hình khó khăn của năm 2023, những tháng đầu năm 2024 tình hình đơn hàng của doanh nghiệp ngành dệt may đã tươi sáng hơn, nhiều doanh nghiệp tấp nập đơn hàng tới hết tháng 6, thậm chí hết năm. Ngành dệt may phấn đấu trong năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay, thị trường ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như Canada, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. Chính vì thế, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia các chuỗi cung ứng để có khả năng cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may.
Cùng với đó, tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA trong sử dụng lao động, sử dụng nguyên liệu đầu vào, đáp ứng phát triển bền vững khi xuất khẩu; Chủ động chuẩn bị điều kiện thiết bị, năng lực quản trị, sản xuất với năng suất, chất lượng cao nhất để đón “sóng” đơn hàng mới. Xa hơn, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Về phía cơ quan chức năng, Bộ Công Thương đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy đến năm 2030. Trong đó, xuất khẩu tiếp tục là động lực chính, quan trọng cho phát triển và tăng trưởng ngành Dệt may, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và phát triển tối đa thị trường nội địa; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thời trang dệt may Việt Nam; phát triển ngành dệt may gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
“Ngành Dệt may cũng sẽ có điều kiện tiếp cận công nghệ hiện đại và tiên tiến của EU, cũng như thu hút đầu tư, các dự án hỗ trợ để đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất theo hướng Xanh, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU. Từ đó, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần thúc đấy ngành dệt may Việt Nam phát triển theo xu hướng xanh và bền vững trên thế giới,” Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói.