Thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tháng 1/2017 đạt 29,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,7 tỷ USD. Cả nước nhập siêu 100 triệu USD trong tháng 1.
Tháng 1/2017: Xuất nhập khẩu tăng trưởng
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tháng 1/2017 đạt 29,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,7 tỷ USD. Cả nước nhập siêu 100 triệu USD trong tháng 1.
Phân tích kỹ hơn, ông Chinh cho rằng, những ngày vừa qua, có nhiều ý kiến xung quanh việc nhập siêu trở lại. Tuy nhiên, mức nhập siêu này là bình thường bởi doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho XK đang được Bộ Công Thương phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.
Theo đó, ngày 6/2, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã dự Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam nhằm tìm giải pháp đẩy mạnh XK mặt hàng này. Riêng với mặt hàng gạo, Cục Xuất nhập khẩu thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng lớn từ các thị trường tập trung, đồng thời mua tạm trữ gạo để chuẩn bị nguồn cung cho các đơn hàng mới.
“Riêng với dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo, Cục Xuất nhập khẩu sẽ xây dựng xong trong quý II/2017, lấy ý kiến các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm xây dựng cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động XK gạo” – ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Cũng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, các dịch vụ công trực tuyến phục vụ XK đang được triển khai mạnh ở cấp độ 4 - cấp độ cao nhất hiện nay. Cục cũng đang đốc thúc triển khai cấp C/O qua mạng Internet để giảm thiểu tối đa thời gian làm thủ tục XK.
Theo sát diễn biến thị trường
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: Năm 2017, hoạt động XK sẽ gặp không ít khó khăn do các quốc gia nhập khẩu đang có xu hướng dựng lên các rào cản phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước “hậu” các hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, bên cạnh những giải pháp xúc tiến thương mại để tăng sản lượng XK, các đơn vị thuộc Bộ cần theo sát diễn biến thị trường, triển khai các giải pháp để không rơi vào những vụ kiện phòng vệ thương mại.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể phát triển các thị trường mới nổi và các thị trường tiềm năng. Đặc biệt, với thị trường lớn của hàng hóa XK là Trung Quốc, phải tìm cách khai thác, phát triển hơn nữa, trong bối cảnh sản phẩm nước ta gặp khó khăn ở những thị trường mới.
Riêng với mặt hàng gạo, từ thực tiễn khó khăn của năm 2016, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá cụ thể về nhu cầu thị trường để định hướng XK.