Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp

PV. (t/h)

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực, quản lý hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn

Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra chỉ tiêu, trong năm 2023, sẽ đánh giá và có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh việc cơ cấu lại DN trên cơ sở bám sát các quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 về Tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại DNNN, DN có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025.

Xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể giải quyết các dự án sử dụng vốn nhà nước thua lỗ tại các DNLàm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu DN làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại DN và các nguồn vốn nhà nước khác.

Bên cạnh đó, thực hiện tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai… của DNNN, giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định của Chính phủ về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại DN.

Quản lý hiệu quả vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN

Để hiện thực hóa các chỉ tiêu nêu trên, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 đưa ra giải pháp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi; hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định giá trị DN, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, cơ cấu sản phẩm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của DNNN.

DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa DNNN theo kế hoạch, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.