Thực hiện nghiêm việc tiêu hủy phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan

Linh Trang

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong việc thực hiện tiêu hủy, giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan.

Cơ quan hải quan quản lý phế liệu tồn đọng thực hiện lập Biên bản bàn giao các container phế liệu kèm niêm phong của hãng vận tải/niêm phong hải quan đưa đi tiêu hủy.
Cơ quan hải quan quản lý phế liệu tồn đọng thực hiện lập Biên bản bàn giao các container phế liệu kèm niêm phong của hãng vận tải/niêm phong hải quan đưa đi tiêu hủy.

Đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, cơ quan hải quan quản lý phế liệu tiêu hủy thực hiện xây dựng Kế hoạch tổ chức tiêu hủy; trong đó xác định rõ danh sách chi tiết container, tên hãng tàu, đơn vị tiêu hủy, thời gian dự kiến, phương án tiêu hủy, trách nhiệm của Hội đồng xử lý tiêu hủy, Tổ giám sát tiêu hủy và các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức tiêu hủy trước khi vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng để thực hiện tiêu hủy.

Cơ quan hải quan quản lý phế liệu tồn đọng thực hiện lập Biên bản bàn giao các container phế liệu kèm niêm phong của hãng vận tải/niêm phong hải quan đưa đi tiêu hủy cho hội đồng xử lý (tổ giám sát tiêu hủy) tại địa điểm thực hiện tiêu hủy.

Để đảm bảo công tác giám sát, quản lý chặt chẽ việc tiêu hủy phế liệu theo đúng quy định pháp luật, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị quyết định biện pháp giám sát trực tiếp hoặc giám sát qua hệ thống camera được kết nối với cơ quan hải quan.

Cùng với đó, cơ quan hải quan bàn giao trách nhiệm lưu giữ các container phế liệu cho doanh nghiệp tiêu hủy, để thực hiện việc tiêu hủy phế liệu theo đúng công suất đã được cấp phép cho cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo tiến độ xử lý phế liệu tồn đọng.

Bên cạnh các nội dung trên, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị trước khi thực hiện cắt niêm phong của hãng vận tải/niêm phong hải quan để tiêu hủy hàng hóa cần chụp ảnh cửa container, chụp ảnh niêm phong trước khi cắt; lập biên bản mở container, ghi rõ số hiệu container, số niêm phong.

Tổ chức việc giám sát công tác tiêu hủy từ khi cắt niêm phong lấy hàng hóa ra khỏi container, đưa hàng hóa vào tiêu hủy, đến khi tiêu hủy xong toàn bộ lô hàng trong container; lập biên bản có xác nhận của các bên liên quan; lưu hình ảnh, biên bản vào hồ sơ xử lý tiêu hủy.

Đồng thời, xử lý trách nhiệm của công chức có liên quan trong trường hợp phát hiện được các lô hàng phế liệu buộc phải tiêu hủy nhưng không được thực hiện tiêu hủy, thẩm lậu vào nội địa.