Thực thi pháp luật lao động: Trang bị kiến thức, hạn chế vi phạm

Theo Thái Yến/daibieunhandan.vn

Nợ lương, sa thải lao động trái luật, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), thậm chí nhiều doanh nghiệp bỏ trốn quỵt tiền lương, tiền BHXH… là thực trạng khá phổ biến hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trình độ, nhận thức pháp luật của NLĐ còn hạn chế nên không thể tự bảo vệ được chính mình.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động còn hình thức, đối phó. Nguồn: Internet
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động còn hình thức, đối phó. Nguồn: Internet

“Lỗ hổng” về kiến thức

Nhằm tăng cường kiến thức pháp luật cho NLĐ các bộ, ngành, địa phương và tổ chức xã hội đã tổ chức nhiều hoạt động, các mô hình như “Ngày Pháp luật”, “Tháng Công nhân”, hội thi tìm hiểu pháp luật... Tuy nhiên trên cả nước vẫn xảy ra những vụ vi phạm pháp luật lao động và các chế độ, chính sách khác.

Đặc biệt, vì thiếu hiểu biết về những kiến thức liên quan đến quyền và nghĩa vụ nên những vụ đình công trái luật tập thể của NLĐ vẫn diễn ra khá phổ biến.

Đánh giá về thực trạng tuân thủ cũng như nhận thức pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động, Báo cáo của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong nhiều năm đều chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về chính sách lao động, tiền lương và an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện.

Điều đáng nói, nhiều DN nắm được các quy định của pháp luật về lao động nhưng để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, đã cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định.

Trong khi đó, nhận thức của NLĐ về các quy định của pháp luật còn hạn chế như không biết hoặc không nắm đầy đủ các quy định, do đó không thể đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động hoặc NLĐ thỏa thuận với người sử dụng lao động không thực hiện các quy định để được làm việc tại doanh nghiệp.

Thực tế từ câu chuyện tại Công ty TNHH KL Texwell Vina (Công ty Texwell Vina), 100% vốn Hàn Quốc tại Khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Ðồng Nai nợ lương, bỏ trốn trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã phản ánh một thực tế khá rõ nét về những “lỗ hổng” trong nhận thức pháp luật của NLĐ hiện nay.

Dù nắm rõ tình trạng nợ lương, không đóng BHXH của công ty nhưng cả công đoàn cơ sở cùng NLĐ đều không có phản hồi để công đoàn cấp trên kịp thời xử lý. Hệ lụy là chỉ khi sự việc xảy ra công đoàn trung ương, ngành chức năng mới biết việc công ty nợ lương, quỵt tiền không đóng BHXH.

Chưa hiệu quả

Theo các chuyên gia, việc tuyên truyền kiến thức pháp luật cho NLĐ đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng hiện nay không ít doanh nghiệp chỉ làm một cách đối phó.

Trong khi, bản thân NLĐ lại không nhận thức được tầm quan trọng của việc nắm rõ kiến thức pháp luật, chỉ đến khi sự việc xảy ra mới tìm hiểu thì đã muộn. Chính bởi tâm lý này đã vô tình tiếp tay cho doanh nghiệp làm sai.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội Vũ Thị Hương, công tác tư vấn pháp luật chưa được các cấp công đoàn quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí cho các hoạt động tư vấn tại cơ sở.

Do đó, chất lượng tư vấn chưa cao trong khi bộ máy và độ ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật còn mỏng, đều kiêm nhiệm nên hoạt động phổ biến và tuyên truyền pháp luật cho NLĐ không hiệu quả.

“Để đưa pháp luật đến với NLĐ hiệu quả hơn cần tạo chuyển biến về nhận thức của chủ sử dụng lao động và NLĐ về sự cần thiết của việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho NLĐ. Cần tăng cường phân cấp và quy rõ trách nhiệm cho từng cấp công đoàn trong việc tổ chức hoạt động tư vấn, đánh giá hiệu quả về công tác này” - bà Vũ Thị Hương đề xuất.

Đề cập tới vấn đề về nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho NLĐ,  Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng, việc tuyên truyền kiến thức pháp luật cần phải đa dạng về hình thức để thu hút được NLĐ.

Trong đó, cần định hình sớm những vấn đề mà NLĐ quan tâm để cung cấp thông tin cho họ. Khi tuyên truyền, cần chuyển tải nội dung dễ hiểu, gần gũi với những tình huống NLĐ gặp phải để từ đó có thể áp dụng trong những trường hợp tương tự.