Thực trạng quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

Vũ Nguyệt Vân - Vụ Tổng hợp Pháp chế (Kho bạc Nhà nước)

Thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, ngày 15/2/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước nhằm hạn chế các giao dịch bằng tiền mặt trong khu vực công, hoàn thiện cơ chế cho các phương thức thanh toán hiện đại trong thu, chi ngân sách nhà nước, từ đó làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt còn tương đối phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay. Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2017, số thu bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước hiện chỉ còn 1,94% so với tổng thu qua Kho bạc Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

Thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, ngày 15/02/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhằm hạn chế các giao dịch bằng tiền mặt trong khu vực công, hoàn thiện cơ chế cho các phương thức thanh toán hiện đại trong thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); từ đó, góp phần làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt còn tương đối phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai Thông tư số 13/2017/TT-BTC (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2017), công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện qua các số liệu thống kê về thu, chi NSNN. Cụ thể như sau:

Về thu NSNN

Căn cứ Thông tư số 13/2017/TT-BTC; Thông tư số 315/2016/TT-BTC ngày 30/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại; Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN, hệ thống KBNN đã mở rộng việc mở tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu NSNN cho các ngân hàng thương mại đảm nhận.

Theo đó, KBNN cấp tỉnh và cấp huyện đóng trên các địa bàn tỉnh, quận, thành phố, thị xã phải thực hiện mở tài khoản chuyên thu tại 5 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank và MBBank).

Theo thống kê của KBNN, đến nay, trên toàn quốc có 1.140 tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện, góp phần mở rộng thời gian, không gian thu NSNN, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; qua đó, số thu NSNN bằng tiền mặt cũng giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2017, số thu bằng tiền mặt qua KBNN hiện chỉ còn 1,94% so với tổng thu qua KBNN.

Về chi NSNN

KBNN đã kiểm soát thanh toán bằng tiền mặt chặt chẽ, đúng chế độ quy định; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán cá nhân qua tài khoản, ứng dụng các phương thức thanh toán hiện đại trong chi trả NSNN như thanh toán bằng phương thức chuyển khoản điện tử, thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/4/2017 (theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC), các khoản thanh toán bằng tiền mặt của các đơn vị giao dịch với KBNN cấp huyện có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên được chuyển sang thực hiện tại các ngân hàng thương mại.

Nhờ triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nêu trên, tỷ trọng chi bằng tiền mặt so với tổng chi qua KBNN chỉ còn 7,57%; đến cuối năm 2017, khối lượng chi bằng tiền mặt tại KBNN đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2016.

Thực trạng quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước - Ảnh 1

Trong báo cáo đánh giá về thực trạng thanh toán của Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã có những nhận định tích cực về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và KBNN nói riêng trong việc tăng cường tự động hóa và minh bạch quy trình thu, chi NSNN; Tận dụng hiệu quả các hệ thống và dịch vụ thanh toán hiện đại trong thu, chi NSNN từ đó, giảm thiểu chi phí cũng như sai sót trong các giao dịch, rút ngắn thời gian thanh toán, minh bạch hóa các giao dịch; giảm thiểu khối lượng giao dịch bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN vẫn còn một số khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, tại một số địa bàn, khối lượng giao dịch thu, chi bằng tiền mặt còn rất lớn do thói quen của người nộp NSNN và đơn vị giao dịch. Công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt chưa tương xứng với mức độ phát triển của hạ tầng thanh toán.

Khối lượng thu, chi bằng tiền mặt lớn dẫn đến tốn kém chi phí về nhân lực, thời gian… từ đó, gây khó khăn cho KBNN trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo định hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý cũng như sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Thứ hai, quy trình chi trả lương bằng tiền mặt và qua tài khoản như hiện nay còn có điểm dễ bị một số cán bộ thoái hóa của đơn vị lợi dụng để chiếm dụng tiền của Nhà nước và người lao động.

Cụ thể, bảng kê tiền lương và phụ cấp của người lao động gửi đến KBNN để làm thủ tục kiểm soát chi có thể khác với bảng kê lương, do đơn vị giao dịch sử dụng để trả lương cho người lao động qua hình thức thanh toán chuyển khoản hoặc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt như trường hợp phát sinh gần đây tại Trường THCS Ngô Mây ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Mặc dù, việc đảm bảo tính chính xác của các hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi gửi KBNN là trách nhiệm của đơn vị, song cũng cần thiết phải rà soát, sửa đổi quy trình chi trả lương nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ gian lận.

Thứ ba, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt của KBNN liên quan tới hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng đối với các khoản chi NSNN. Phương thức này được KBNN phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2015 và triển khai mở rộng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2017.

Mặc dù, cơ sở pháp lý cho việc thanh toán bằng thẻ tín dụng đối với các khoản chi NSNN đã được hoàn thiện, nhưng hình thức thanh toán này còn chưa phổ biến, chưa tận dụng được triệt để các lợi ích do thanh toán thẻ mang lại.

Thực trạng quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước - Ảnh 2

Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sử dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách và hạn chế của mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ (POS/EDC) hiện nay (hạ tầng thanh toán tại các khu vực nông thôn, thành thị tại Việt Nam chưa đồng bộ; tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, mức độ tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của người dân còn rất thấp).

Giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, trong thời gian tới, hệ thống KBNN cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần thực hiện chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, cụ thể:

Một là, tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các ngân hàng thương mại đảm nhận. Trong năm 2017, các kết quả mang lại từ việc việc mở rộng tài khoản chuyên thu của KBNN tại 5 ngân hàng thương mại (Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MBBank) nơi KBNN mở tài khoản đã chứng minh đây là biện pháp đúng đắn.

Hai là, tiếp tục mở rộng phương thức thanh toán qua thẻ tín dụng trong chi tiêu NSNN; Hạn chế các trường hợp thanh toán bằng tiền mặt.

Hiện nay, tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt so với tổng chi qua KBNN đã ở mức rất thấp, song hình thức chi trả bằng tiền mặt còn phổ biến, thậm chí ở các tỉnh, thành phố nơi có thể sử dụng các phương thức thanh toán điện tử (thanh toán bằng chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ…).

Tình trạng này có thể được thay đổi thông qua việc bắt buộc chi trả qua thẻ tín dụng đối với các khoản chi nhỏ, lẻ hiện nay đang được phép chi bằng tiền mặt như chi mua vé máy bay, phòng khách sạn…

Ba là, tiếp tục mở rộng địa bàn bắt buộc trả lương qua tài khoản; đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi quy trình trả lương cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN. Theo đó, KBNN sẽ là đơn vị chuyển bảng kê tiền lương và phụ cấp cho ngân hàng thương mại, thay vì đơn vị giao dịch gửi cho ngân hàng thương mại như hiện nay.

Về nội dung này, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, KBNN cần xem xét xây dựng một quy trình mới sao cho việc thanh toán được thực hiện trực tiếp từ tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tới tài khoản của người hưởng lương mà không qua trung gian (hiện nay, KBNN chuyển tiền vào tài khoản trung gian do đơn vị giao dịch làm chủ tài khoản; ngân hàng thương mại chuyển tiếp từ tài khoản trung gian sang tài khoản của từng người hưởng lương).

Tuy nhiên, việc KBNN chi trả lương trực tiếp như khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới sẽ dẫn tới áp lực cho hệ thống thông tin của KBNN, do phải lưu giữ thông tin thanh toán của hơn 3 triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Trong khi đó, việc trả lương qua một tài khoản trung gian vẫn đảm bảo thanh toán nhanh chóng cho các đối tượng thụ hưởng; đồng thời, tận dụng được hạ tầng kỹ thuật của các ngân hàng.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, việc thanh toán, chi trả lương qua tài khoản trung gian đã đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả. Để đề phòng gian lận trong chi trả lương cũng như cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch, việc nghiên cứu, sửa đổi quy trình trả lương theo hướng đã nêu là cần thiết.

Khối lượng giao dịch thu, chi của NSNN chiếm giữ tỷ trọng đáng kể trong tổng khối lượng giao dịch hoạt động thanh toán của nền kinh tế. Vì vậy, việc chuyển dịch từ thanh toán dùng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch thu, chi NSNN có tác động lớn đến việc chuyển đổi thói quen thanh toán của các tổ chức, cá nhân.

Từ đó, hoạt động thanh toán của Chính phủ được coi là một trong những yếu tố chủ chốt quyết định thành công của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Nhìn chung, thời gian qua, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN đã đạt được những kết quả quan trọng, vừa nâng cao tốc độ xử lý, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán của Chính phủ, vừa có tác động lan tỏa, thúc đẩy và tăng cường sự phát triển của hệ thống hạ tầng thanh toán, chất lượng dịch vụ của các ngân hàng thương mại.

Trong thời gian tới, để KBNN giữ vững vai trò là một cơ quan có đóng góp tích cực vào chuyển đổi thanh toán không dùng tiền mặt, cần thực hiện tốt các quy định của Bộ Tài chính về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN và hướng dẫn của toàn thể các đơn vị KBNN cấp tỉnh, cấp huyện.        

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN;

2. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 315/2016/TT-BTC ngày 30/11/2016 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại;

3. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016  hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN;

4. Tạp chí Kinh tế và Dự báo (22/12/2017), KBNN đã có nhiều cải cách thủ tục hành chính, truy cập (http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/101-10200-kho-bac-nha-nuoc-da-co-nhieu-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh.html).