“Thuế 10% đối với nước ngọt có gas là hợp lý”
(Tài chính) Đang có nhiều tranh cãi về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có gas. Nhiều doanh nghiệp phản đối, nhưng cũng có doanh nghiệp đồng tình. Còn theo ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, quan điểm của Bộ Tài chính là áp thuế để định hướng tiêu dùng.
Phóng viên: Dựa trên cơ sở nào Bộ Tài chính lại áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng nước ngọt có gas trong Dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt?
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế
Trong khi đó, theo nghiên cứu của một số trung tâm y tế trên thế giới, trong nước ngọt có gas có một số chất bảo quản như chất tạo hương vị, chất tạo màu… Việc lạm dụng chúng sẽ dễ gây ra những căn bệnh như béo phì, mỡ trong máu.
Chính vì vậy, một số nước như Anh, Thụy Điển đã bắt buộc nhà sản xuất in trên vỏ chai, vỏ lon dòng cảnh báo không nên sử dụng đối với phụ nữ có thai, cho con bú hoặc trẻ em.
Đã có hơn 50 nước đánh thuế tiêu thụ đăc biệt đối với nước ngọt có gas, đặc biệt là các nước châu Âu. Ngay cả những nước láng giềng của Việt Nam như Campuchia, Thái Lan cũng đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại nước uống này. Gần đây nhất là Mexico, dù vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất nước ngọt có gas, cũng đã quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với loại nước này.
Trong trường hợp của Việt Nam, cơ sở nào để đưa ra mức thuế 10%?
Khi đề xuất mức thuế này, chúng tôi dựa vào một số căn cứ.
Thứ nhất, mức giá của loại nước này trên thị trường, khả năng tiêu thụ và qua đó đánh giá tác động của thuế đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, mục tiêu của chính sách và yêu cầu về định hướng tiêu dùng. Hãy so sánh với thuốc lá. Thuốc lá là mặt hàng có hại. Dù hút ít hay hút nhiều thì đều có hại cho người sử dụng. Vì thế, mức thuế đối với sản phẩm này rất cao để hạn chế tiêu dùng. Thế nhưng, đối với nước ngọt có gas, nếu người tiêu dùng sử dụng liều lượng ít thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Do đó, thuế cũng chỉ ở mức độ hợp lý để có thể định hướng được tiêu dùng.
Chúng ta đều biết đây là mặt hàng mới được đưa vào đối tượng chịu thuế. Và trên cơ sở các yếu tố vừa nêu, chúng tôi cho rằng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là phù hợp. Đây cũng là mức thuế suất thấp nhất của biểu thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.
Cũng cần nói thêm, đặc điểm của thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là nếu để mức thuế quá thấp thì lại không có tác dụng định hướng tiêu dùng nữa.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước ngọt có gas đã phản đối việc áp thuế, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, người tiêu dùng và chuyên gia thực phẩm ủng hộ việc này. Vậy có cần một cuộc rà soát về tác động của mức thuế 10% này trước khi áp dụng không?
Chúng ta đều biết khi đề xuất áp thuế hay tăng thuế đối với một nhóm hàng nào đó, khó tránh khỏi sự phản đối của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi đề xuất mức thuế 10% này, chúng tôi đã căn cứ trên một loạt cơ sở từ mức giá, khả năng tiêu thụ cho đến tác động đối với hoạt động của doanh nghiệp. Qua đánh giá như vậy, chúng tôi thấy mức thuế suất 10% có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng không nhiều.
Việc đánh thuế như vậy có phù hợp với lộ trình Việt Nam cam kết khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)?
Việt Nam là một thành viên của WTO, nên khi nghiên cứu, xây dựng hay ban hành chính sách, nhất là chính sách thuế, chúng ta luôn phải đảm bảo các cam kết. Trước hết là cam kết không phân biệt đối xử với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có đưa ra thu thuế đối với nước ngọt có gas, trong đó đưa ra một mức thuế suất thống nhất, không phân biệt giữa hàng nhập khẩu với hàng sản xuất trong nước.
Do đó, không thể nói là thuế này nhằm vào một đối tượng hay nhóm doanh nghiệp nào đó. Nói cách khác, chúng ta không vi phạm cam kết WTO.