Thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động gia công sơ chế thủy, hải sản
Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 551/CT-THNVDT ngày 01/6/2017 của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động gia công sơ chế thủy, hải sản. Về vấn đề này, ngày 30/10/2017 Tổng cục Thuế có Công văn 5018/TCT-CS hướng dẫn kiến như sau:
Tại điểm d Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 quy định thuế suất thuế GTGT 5%: “d) Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp”;
Tại điểm d Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 quy định về thuế suất GTGT 5%: “2. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế GTGT và Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT. Một số trường hợp áp dụng mức thuế suất 5% quy định cụ thể như sau:
d) Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế GTGT gồm: Phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt lát, xay sát, bảo quản lạnh, ướp muối và các hình thức bảo quản thông thường khác”.
Tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về thuế suất 5%: “Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp gồm phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, xay xát, bảo quản lạnh, ướp muối và các hình thức bảo quản thông thường khác theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này”.
Tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:
“1. Sửa đổi khoản 1 Điều 4 như sau:
“1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh, bảo quản bằng khí sunfuro, ngâm trong lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng nuôi heo với Công ty B theo hình thức Công ty B giao cho Công ty A con giống, thức ăn, thuốc thú y, Công ty A giao, bán cho Công ty B sản phẩm heo thì tiền công nuôi heo nhận từ Công ty B và sản phẩm heo Công ty A giao, bán cho Công ty B thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Sản phẩm heo Công ty B nhận lại từ Công ty A: nếu Công ty B bán ra heo (nguyên con) hoặc thịt heo tươi sống thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nếu Công ty B đưa heo vào chế biến thành sản phẩm như xúc xích, thịt hun khói, giò hoặc thành các sản phẩm chế biến khác thì sản phẩm bán ra thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định.”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp cơ sở kinh doanh thực hiện dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp (nhận ghẹ nguyên liệu → luộc → gỡ thịt → ướp lạnh) thì doanh thu dịch vụ thu được thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Kiên Giang được biết.