Thuế, phí của Việt Nam là phù hợp
TCTC Online - Tỷ lệ động viên ngân sách nhà nước (NSNN), theo Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 do nhóm nghiên cứu Ủy ban kinh tế Quốc hội công bố, người Việt Nam đang phải nộp thuế nặng hơn so với khu vực. Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Nhữ Thăng- Viện trưởng Viện Chiến lược Tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: “Vấn đề này cần được nhìn nhận đa chiều, và nguồn số liệu đưa ra cần phải tính trên một mặt bằng mới có thể so sánh một cách chính xác và phù hợp”.
PV: Thưa ông, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu kinh tế thuộc UBKT, tỷ lệ thuế, phí/ GDP của Việt Nam đang cao hơn từ 1,4- 3 lần so với các nước trong khu vực. Theo ông, có phải người dân và doanh nghiệp (DN) đang phải gánh nặng thuế nhiều hơn so với các nước láng giềng hay không?
Ông Vũ Nhữ Thăng: Đây là câu chuyện nhiều lần được thảo luận trên các diễn đàn kinh tế và trong Quốc hội. Chúng tôi ghi nhận báo cáo đánh giá của nhóm nghiên cứu và đây cũng là góc nhìn đa chiều. Báo cáo không chỉ nhìn dưới góc độ chính sách tài khóa, mà còn cả chính sách tiền tệ và một số chính sách vĩ mô khác để thấy rõ được bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, có rất nhiều nguồn số liệu để đánh giá, hay thời điểm xác định số liệu cũng cần phải làm rõ, vì những số liệu ước thực hiện, dự toán khác rất nhiều so với số liệu quyết toán thực hiện.
Có thể hiểu rõ, tỷ lệ động viên tính trên tổng nguồn thu NSNN/GDP của các nước là khác nhau. Chúng tôi đã tham khảo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) theo báo cáo trích dẫn của năm 2011; trong đó, ADB đưa ra số liệu so sánh từ nguồn các quốc gia và khẳng định, một số quốc gia chỉ lấy nguồn từchính quyền Trung ương (TW), chứ không lấy tổng thu của cả 4 cấp ngân sách như ở Việt Nam. Ví dụ ở Ấn Độ, Thái Lan, Philippines chỉ tính tổng thu của TW (các cấp ngân sách ở nước này có tính độc lập), trong khi ở Việt Nam tính cả TW và 3 cấp địa phương.
Theo nguồn của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) năm 2010, tỷ lệ động viên trung bình từ thuế của các nước là 28,7%, trong đó các nước có điều kiện tương đương Việt Nam (là những nước có thu nhập trung bình thấp) thì tỷ lệ huy động là 26,4%. Ấn Độ năm 2007, tính cả bang và liên bang tỷ lệ động viên cũng ở mức gần 19% (chưa tổng hợp của chính quyền địa phương). Việt Nam hiện nay tỷ lệ đang là 26,7%, cũng ở mức vừa phải.
PV: Vậy, ở các nước, các nguồn thu từ dầu thô và đất có được tính, thưa ông?
Ông Vũ Nhữ Thăng: Hiện nay, các số liệu này chỉ tính ở nguồn thu từ thuế và phí, chứ không phải tính tổng thu, vì nếu tính thì số liệu đó sẽ lớn hơn. Ở Việt Nam tổng thu là của cả 4 cấp chính quyền. Như tôi vừa nói, ở một số quốc gia trong báo cáo của ADB số liệu thu chỉ tập trung ở chính quyền TW. Ngoài ra, tổng thu NSNN của Việt Nam còn có khoản thu từ dầu thô, thu từ sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, trong đó thu từ dầu thô đang được xếp vào nhóm thu từ “thuế, phí”.
Nếu trừ đi các khoản đó, tỷ lệ thu của Việt Nam không hề cao. Chúng ta đã có quyết toán NSNN năm 2010, cho thấy số liệu từ năm 2006- 2010, nếu trừ cả dầu thô, cả tiền nhà, đất và viện trợ, thì tỷ lệ huy động NSNN/GDP của Việt Nam vào khoảng 20%. Nếu chỉ tính thu nội địa, tức là không bao gồm thu từ hoạt động ngoại thương (trừ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu), thì tỷ lệ huy động NSNN từ thuế, phí/ GDP chỉ xung quanh 14%.
PV: Còn với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam so với các nước khu vực hiện nay, được xem là cao hay thấp, thưa ông?
Ông Vũ Nhữ Thăng: Các nước trong khu vực những năm gần đây có xu hướng giảm dần thuế suất thuế TNDN. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Chính phủ và Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh mức thuế suất từ 32% xuống 28% và gần đây nhất là xuống 25%. Theo số liệu chúng tôi có của năm 2011, thuế suất trung bình thuế TNDN của 83 quốc gia là 27%. Như vậy, mức thuế của Việt Nam là vừa phải và phù hợp với nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
PV: Thưa ông, các DN hiện đang hoạt động vô cùng khó khăn. Nhiều DN phải rời bỏ thị trường vì làm ăn thua lỗ. Chúng ta có nên vì khó khăn trước mắt của DN mà đẩy nhanh việc giảm thuế TNDN hay không, thưa ông?
Ông Vũ Nhữ Thăng: Cần phải đánh giá kỹ khó khăn, vì sẽ có khó khăn trước mắt và khó khăn lâu dài. Với khó khăn trước mắt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 được tuyên truyên rộng rãi với người dân và DN trong việc miễn, giảm, giãn thuế liên quan đến thuế GTGT, thuế TNDN, thuế kinh doanh của một số đối tượng, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, về mặt dài hạn, chúng ta cần tạo môi trường bình đẳng, ổn định cho DN hoạt động cũng như thu hút đầu tư, để DN tạo được tích lũy và quay trở lại tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong lộ trình cải cách thuế tới năm 2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ thực hiện giảm dần mức thuế suất thuế TNDN. Bước đi và cách thức thực hiện như thế nào, chúng tôi vẫn đang trong quá trình bàn thảo. Trong thời gian tới sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội năm 2013 sửa đổi một số điều trong Luật Thuế TNDN.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Ý kiến chuyên gia:
Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam: Nếu lấy số thực thu trừ đi thu về đất và thu về dầu thô thì tỷ lệ động viên trong giai đoạn 2006- 2010 chỉ có 14%, có giai đoạn chỉ 12%. Theo tôi, đó mới là thực lực động viên từ NSNN. Nếu so sánh số thực thu tính cả đất, tiền bán nhà và các nguồn khác không từ nguồn lực, thì sự so sánh đó là khập khiễng. Ông Habbib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng World Bank: Tỷ lệ thuế và phí của Việt Nam nếu tính một cách xác thực vào khoảng 20% so với GDP, mức này là thông thường và không thực sự quá cao. Điều này có thể so sánh với các quốc gia trong khu vực, hiện một số quốc gia có tỷ lệ thuế và phí lên tới 40% so với GDP. Bà Hà Thu Thanh - Tổng Giám đốc Deloitte tại Việt Nam: Số thuế của các DN phải nộp trong nhiều năm qua đã được giảm đi tương đối trong lộ trình cải cách thuế của Việt Nam. Các chi phí tính thuế cũng mở rộng, tạo kết quả kinh doanh phải nộp thuế cũng đã tiến gần đến thực tiễn. Trong 10 năm qua, đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng khá lớn. Chứng tỏ rằng, các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến thị trường Việt Nam ngoài yếu tố chính trị ổn định, nhân công rẻ, họ cũng cân nhắc tới yếu tố chi phí thuế ở một mức độ hợp lý so sánh được. |