Tiền “chạy” ra nước ngoài theo hàng xách tay
Hầu hết các sản phẩm được vận chuyển từ nước ngoài về không kê khai thủ tục hải quan, không đóng thuế đều đang được giới kinh doanh gọi là hàng xách tay. Đáng nói, loại hình kinh doanh này khi được tiêu thụ trong nước không đóng một đồng thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng hay tiêu thụ đặc biệt (những sắc thuế thu ở khâu nhập khẩu) nào cho Nhà nước.
Tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, cùng với lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng xách tay khiến thị trường này ngày càng phát triển vượt mức kiểm soát của cơ quan quản lý.
Đa dạng “mánh” vận chuyển
Phần lớn hàng xách tay hiện nay là các loại thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, giày dép… Theo tiết lộ của một đầu nậu chuyên buôn hàng xách tay, các mặt hàng này về Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không như: qua đội ngũ tiếp viên hàng không theo mỗi chuyến bay từ nước ngoài về, qua công ty vận chuyển chuyên nghiệp bằng đường hàng không và qua tay các đầu nậu đi nước ngoài theo diện đi du lịch nhưng thực chất là sang “đánh” hàng mang về Việt Nam để bán… Với những hình thức này, các đầu nậu đã “né” được nhiều loại thuế khác nhau.
Chị Minh Thùy (một đầu nậu chuyên kinh doanh các sản phẩm quần áo, mỹ phẩm Hàn Quốc) cho biết, mỗi tháng trung bình chị sang Hàn Quốc theo visa đi du lịch để “đánh hàng” khoảng 2 – 3 chuyến, dịp cận Tết thì tăng lên 1 tuần/chuyến.
“Tôi chỉ việc kết nối công ty vận chuyển làm dịch vụ để trả tiền theo cân hàng hóa. Còn lại công ty đó sẽ tìm mọi cách để được miễn thuế”, chị Thùy thẳng thắn nói.
Theo “kinh nghiệm” của dân buôn hàng xách tay, họ không bao giờ gửi hàng về bằng đường bưu điện, vì không “né” được thuế, mà thủ tục lại rườm rà và thời gian vận chuyển lâu. Còn vận chuyển bằng đường biển rủi ro bị phát hiện hàng trốn thuế sẽ cao hơn đường hàng không.
Một nhân viên công ty vận chuyển hàng hóa cho biết, các công ty thường tính phí vận chuyển với các sản phẩm được gửi về từ các nước châu Âu như Mỹ, Anh, Đức, Pháp theo đường hàng không là 260.000 đồng/kg, còn các nước châu Á như Nhật, Hàn… khoảng 220.000 đồng/kg. Trong đó, họ đã phải chi trả từ 60.000 – 80.000 đồng/kg ở khâu kải quan.
“Số tiền này có được đóng vào ngân sách Nhà nước không thì chúng tôi không biết, nhưng chúng tôi không phải kê khai bất cứ giấy tờ gì ngoài phiếu gửi hàng và biên nhận”, nhân viên này nói.
Thất thu thuế hàng trăm tỷ đồng
Điều đáng nói là, trong khi Nhà nước thất thu một số tiền lớn do trốn thuế của hình thức kinh doanh này thì ngược lại, các nước bán hàng đều đã thu được thuế giá trị gia tăng vì hàng hóa đều được xuất hóa đơn đàng hoàng.
Chị Thùy chia sẻ, mỗi chuyến sang Hàn Quốc, chị thường tìm đến các store của các hãng để mua được giá gốc và hàng chính hãng có đầy đủ hóa đơn bán hàng. Vì vậy, với mỗi sản phẩm đều đã được đóng thuế theo quy định của nước sở tại. Khi vận chuyển về Việt Nam theo hàng xách tay, nên kể cả có bán giá rẻ hơn tại các cửa hàng bình thường thì người bán hàng vẫn có lãi.
Không chỉ những người kinh doanh qua mạng xã hội đổ xô bán hàng xách tay, mà nhiều cửa hàng cũng kinh doanh mặt hàng này. Họ đều có điểm chung là đều không đóng một đồng thuế nào cho cơ quan thuế nội địa.
Bởi lẽ, không ai đăng ký với cơ quan thuế, hoặc nếu có bị cơ quan thuế “sờ gáy”, họ sẵn sàng đóng cửa hàng hay lập một tài khoản Facebook, Zalo, Viber khác khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát.
Theo các chuyên gia ngành thuế, theo quy định về Luật Quản lý thuế thì trong những trường hợp trên, người kinh doanh đã có hành vi gian lận thuế và gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Dù chưa có số liệu thống kê, nhưng theo các chuyên gia, với tốc độ phát triển của hàng xách tay hiện nay, mỗi năm ngành thuế có thể thất thu hàng trăm tỷ đồng.
Dự báo, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử trong thời gian tới càng kích thích nhu cầu mua sắm hàng ngoại của người tiêu dùng.
Do đó, nếu cơ quan thuế không sớm ban hành những những biện pháp quản lý chặt chẽ không những làm thất thu ngân sách Nhà nước, mà việc bỏ sót những khoản thu này sẽ không tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng.